Các trường học cùng góp sức cho nền giáo dục Thủ đô

Phong trào 'Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm' đã và đang trở thành những hành động cụ thể, thiết thực, chạm đến từng lớp học, từng giáo viên, từng học sinh.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 được triển khai sâu rộng, được sự hưởng ứng, tham gia của tất cả 30 quận, huyện, thị xã, các trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố.

Các hoạt động tập trung vào các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông; phát huy vai trò của cá nhân và tập thể giữa các đơn vị trong việc giải quyết những vấn đề khó, những vấn đề lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình môn học.

Trong một tiết học đặc biệt tại THPT Trung Giã (huyện Sóc Sơn) - nơi mà không gian lớp học tưởng chừng bình thường lại trở nên đặc biệt nhờ sự hiện diện của cô giáo đến từ Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm). Không chỉ dạy trực tiếp tại lớp, tiết học còn được kết nối trực tuyến đến hàng chục trường THPT trên toàn thành phố. Những buổi học như thế không chỉ là dịp chia sẻ chuyên môn, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần kết nối, lan tỏa tri thức và khát vọng nâng cao chất lượng dạy - học một cách toàn diện.

Học sinh Bùi Cao Thái Sơn chia sẻ: "Điều ấn tượng nhất với em là cách cô truyền tải đến học sinh, từ các ý rất rõ ràng và cụ thể".

Cô giáo Nguyễn Thị Tươi, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Giã chia sẻ: "Trong thời gian qua, từ phong trào này, các trường đã học tập ở nhau rất nhiều: từ công tác quản lý, đặc biệt là đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018".

Tại Trường THPT Tân Lập (huyện Đan Phượng), các em học sinh lớp 12 đã rất hào hứng với tiết ôn tập môn tiếng Anh của cô giáo Trường THPT Phan Đình Phùng. Không khí sôi nổi, chủ động từ phía học sinh cùng sự tâm huyết của giáo viên là minh chứng cho sự thay đổi tích cực từ những hoạt động kết nối này.

"Trước đây, điểm thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ của các em học sinh nhà trường mới chỉ đạt dưới mặt bằng chung của thành phố Hà Nội. Trong năm vừa rồi, nhờ sự chia sẻ của bộ môn ngoại ngữ, kết quả thi tốt nghiệp Ngoại ngữ của nhà trường lần đầu tiên vượt mặt bằng chung của thành phố", thầy giáo Lý Đức Kim, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lập cho hay.

Sau gần ba năm triển khai phong trào, đã có gần 1.400 trường học các cấp thực hiện hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ chuyên môn, với hơn 2.200 chuyên đề được chia sẻ. Không hào nhoáng, không ồn ào, phong trào đang từng ngày lan tỏa theo cách bền bỉ nhất - từ trái tim đến trái tim, từ lớp học này đến lớp học khác, để tạo nên một nền giáo dục Thủ đô công bằng, tiến bộ và đầy nhân văn.

Ghi nhận từ các nhà trường cũng cho thấy, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” không chỉ thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các đơn vị, mà còn khơi dậy một tinh thần tương trợ mạnh mẽ trong toàn ngành. Từ trái tim những người thầy, người cô nơi phố thị, những món quà đầy nghĩa tình đã được gửi đến các trường vùng ngoại thành. Không chỉ là sự hỗ trợ vật chất, đó là sự sẻ chia trách nhiệm nghề nghiệp, là sự gắn kết của những người thầy trên cùng một hành trình: gieo chữ, gieo hy vọng và thắp sáng tương lai cho thế hệ trẻ Thủ đô.

Tại lớp 3A5, Trường Tiểu học Nguyễn Du (huyện Thường Tín), không khí học tập trở nên sôi nổi và hứng thú hơn bao giờ hết khi tiết học được hỗ trợ bởi chiếc máy chiếu đa vật thể - một món quà đầy ý nghĩa đến từ các trường bạn tại quận Hai Bà Trưng. Nhờ thiết bị này, cô và trò có thể trực quan hóa các bài làm của học sinh, chữa lỗi, chấm bài ngay trên lớp một cách sinh động và hiệu quả.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương, Trường Tiểu học Nguyễn Du, huyện Thường Tín chia sẻ: "Khi tôi sử dụng món quà đó để dạy học các con học bài rất tốt. Các tiết học môn Toán, các con được chấm chữa bài trực tiếp. Những bài các con làm đúng, các con rất vui, phấn khởi phát huy, còn những bài chưa làm tốt, các con sửa lại và tiếp tục hoàn thành bài của mình".

"Trên những cơ sở vật chất được hỗ trợ, chúng tôi cũng triển khai để các trường sử dụng thiết bị được hiệu quả nhất và được các thầy cô giáo, các em học sinh đón nhận", ông Nguyễn Như Ý, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng nói.

Tính đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận gần 6 tỷ đồng hỗ trợ về cơ sở vật chất, cùng với đó là 293 suất học bổng được trao cho những học sinh vượt khó, hiếu học - mỗi suất trị giá từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Những con số tưởng chừng đơn giản ấy lại ẩn chứa biết bao câu chuyện tử tế, thắp sáng ước mơ và tiếp thêm động lực cho học sinh vươn lên trong học tập.

Những cách làm hay từ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" như hỗ trợ thiết bị; những buổi chia sẻ chuyên môn sâu sắc đến các suất học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó... tất cả đang tạo nên một làn sóng đổi mới tích cực, mang đậm dấu ấn trách nhiệm, tâm huyết và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo Thủ đô trong hành trình đổi mới giáo dục và đào tạo tại Hà Nội.

Thu Hiền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cac-truong-hoc-cung-gop-suc-cho-nen-giao-duc-thu-do-328249.htm