Các viện nghiên cứu hàng đầu nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Đức
Các viện nghiên cứu nâng dự báo kinh tế Đức từ 3,9% lên 4,8%, cho rằng nền kinh tế sẽ đạt công suất hoạt động bình thường trong năm tới, khi mà tác động của đại dịch COVID-19 dần giảm bớt.
Các viện kinh tế hàng đầu của Đức đã hạ dự báo chung về tăng trưởng năm 2021 của nền kinh tế lớn nhất châu Âu do tình trạng tắc nghẽn nguồn cung cản trở hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các viện này đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Đức cho năm tới.
Năm viện kinh tế lớn nhất nước Đức gồm RWI có trụ sở ở Essen, DIW ở Berlin, Ifo ở Munich, IfW ở Kiel và IWH ở Halle - đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức năm 2021 xuống 2,4%, từ mức dự báo được đưa ra trước đó là 3,7%.
Tuy nhiên, với năm 2022, họ lại nâng dự báo kinh tế nước này từ 3,9% lên 4,8%, cho rằng nền kinh tế sẽ đạt công suất hoạt động bình thường trong năm tới, khi mà tác động của đại dịch COVID-19 dần giảm bớt.
Phó Chủ tịch IWH Oliver Holtemoeller cho biết những thách thức của biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế yếu có thể được dự báo từ trước do lực lượng lao động bị thu hẹp sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng.
Hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu linh kiện máy móc, tắc nghẽn tại các cảng biển và thiếu container chứa hàng hóa.
Cuộc khủng hoảng thị trường lao động đã “thêm dầu vào lửa” cho tình trạng căng thẳng này sau khi các lệnh phong tỏa do đại dịch từ năm ngoái được dỡ bỏ.
Bộ Kinh tế Đức cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức có khả năng tăng trưởng trong quý III/2021 nhờ lĩnh vực dịch vụ sôi động trở lại sau thời gian phong tỏa xã hội, mặc dù tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ vẫn trì trệ đến cuối năm 2021.
Chính phủ Đức không kỳ vọng lạm phát sẽ giảm bớt cho đến năm sau, khi các gói hỗ trợ một lần hết tác dụng. Tỷ lệ lạm phát hiện tại của Đức là 4,1%, mức cao nhất kể từ năm 1993, chủ yếu do giá năng lượng tăng đáng kể.
Năm viện kinh tế trên dự kiến lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới là 2,5% vào năm 2022 và 1,7% vào năm 2023.
Dự báo lạm phát này dựa trên giả định rằng tiền lương tối thiểu cho người lao động tại Đức sẽ tăng 2 điểm phần trăm lên 2,5% trong vài năm tới. Nếu lương tăng nhiều hơn mức đó, theo đề xuất của các nghiệp đoàn, tình hình sẽ thay đổi đáng kể và dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao hơn nữa./.