Cách gói bánh chưng đẹp, ngon chuẩn vị

Các công đoạn gói bánh chưng nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, để gói được một chiếc bánh chưng đẹp, ngon chuẩn vị cho ngày Tết không phải là điều dễ dàng.

Gói bánh chưng là một dịp sum họp các thành viên trong gia đình

Gói bánh chưng là một dịp sum họp các thành viên trong gia đình

Từ ngàn đời nay, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của người dân miền Bắc. Bánh chưng là thứ mà Tết năm nào cũng phải có, mọi gia đình đều phải có. Nhà nhiều thì đôi chục cái, ít cũng phải có dăm bảy cái, trước là để cúng tổ tiên, sau là bày ra mâm cỗ để thưởng thức cùng gia đình trong những ngày xuân.

Ngày nay, không ít người coi việc gói bánh chưng như một hoạt động trải nghiệm thú vị. Tự gói bánh chưng giống như một dịp sum họp các thành viên trong gia đình, thậm chí còn khiến người ta hào hứng hơn cả những bữa tiệc, liên hoan cuối năm.

Các công đoạn gói bánh chưng nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, để gói được một chiếc bánh chưng đẹp, ngon chuẩn vị cho ngày Tết không phải là điều dễ dàng.

Bánh chưng là món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của người dân miền Bắc

Bánh chưng là món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của người dân miền Bắc

Chuẩn bị nguyên liệu

Các nguyên liệu dùng để làm bánh chưng gồm gạo nếp, thịt ba chỉ, đậu xanh tách vỏ, lá chuối hoặc lá dong, lạt tre, muối, đường, tiêu.

Để bánh chưng ngon lại đẹp mắt, phải chọn được lá dong còn nguyên vẹn, màu xanh đậm, độ dai tốt, phiến lá to rộng, và phải là lá bánh tẻ thì mới có thể gói được phần nhân bên trong dễ dàng, khi gói không dễ bị rách.

Lá dong rửa sạch, lau khô cả 2 mặt, sau đó cắt bỏ phần cuống.

Lạt tre cần ngâm nước trong vài tiếng rồi xé thành sợi mảnh có chiều ngang khoảng 0.5cm.

Gạo nếp vo sạch để ráo nước rồi xóc thêm với chút muối. Nhiều nhà còn ngâm gạo nếp cùng với lá riềng hoặc lá dứa để nếp có màu xanh, cũng giúp nếp thơm hơn.

Với đỗ xanh cần chọn những hạt vàng đều, rửa sạch, có thể đồ lên để nhân bánh chưng ngon hơn. Đậu xanh cũng có thể cho thêm chút muối và tiêu rồi trộn đều.

Thịt lợn phải chọn loại có cả nạc cả mỡ, thái miếng to bản. Cách ướp thịt cũng đơn giản, chỉ cần ướp với muối, đường, hành khô, tiêu với lượng vừa phải. Ở một số địa phương có tiếng làm bánh chưng ngon, chẳng hạn như Đồ Sơn, Hải Phòng, thịt ba chỉ dùng làm nhân bánh chưng được tuyển chọn rất cầu kỳ, khi ướp sẽ được trộn với tiêu bắc và thảo quả xay nhuyễn rồi mới cho vào gói.

Gói bánh

Lá dong xanh bên ngoài, ở giữa là gạo, đậu xanh, thịt mỡ

Lá dong xanh bên ngoài, ở giữa là gạo, đậu xanh, thịt mỡ

Hiện nay, dùng khuôn gói bánh chưng khá phổ biến, tuy nhiên những người khéo tay thì "gói vo" vẫn có thể cho ra lò những chiếc bánh chưng vuông vức, đẹp đẽ chẳng khác gói khuôn là mấy.

Đầu tiên, úp mặt xanh đậm của 1 lá dong xuống mặt sàn. Tiếp theo, ngửa mặt xanh đậm của 2 lá dong còn lại lên và đặt vuông góc, chính giữa lá dong úp xuống kia.

Cho nguyên liệu bánh theo thứ tự 1 lớp gạo nếp, 1 lớp đậu xanh, 1 lớp thịt lợn, 1 lớp đậu xanh và cuối cùng cho 1 lớp gạo nếp.

Giữ 2 mép lá nằm phía dọc của bánh rồi dùng tay gấp và cuộn lá sao cho phần nếp được cố định, sau đó giữ mép vừa gấp bằng một tay, tay còn lại gập 1 bên của lá theo chiều ngang.

Dựng đứng bánh lên, giữ chặt và vỗ nhẹ bánh xuống mặt bàn để phần nhân bánh được dàn dều rồi gấp phần lá ở phía trên vào, dựng bánh phía bên này xuống mặt bàn và thực hiện tương tự với bên còn lại.

Lấy 2 dây lạt buộc song song với nhau để giữ chặt bánh. Kế đến, buộc tiếp 2 chiếc lạt vuông góc với 2 lạt trên.

Khâu buộc lạt tưởng đơn giản mà hóa ra lại khá "khó nhằn". Khi buộc lạt cần chú ý nếu chặt quá thì bánh luộc xong lồi lõm, xấu, buộc lỏng quá thì bánh dễ bị bung lá bọc. Do vậy, người buộc lạt phải lựa làm sao cho chiếc bánh được buộc vừa khít, bảo đảm gạo và nhân bên trong chín đều mà bánh nhìn đẹp.

Luộc bánh

Thời gian luộc bánh chưng từ 5 - 12 tiếng tùy thuộc vào kích thước của bánh

Thời gian luộc bánh chưng từ 5 - 12 tiếng tùy thuộc vào kích thước của bánh

Trước khi xếp bánh chưng vào nồi, cần xếp một lớp cuống lá dong bên dưới để bánh không bị cháy và dính đáy nồi.

Khi xếp bánh vào nồi cần xếp chặt tay, theo hàng để bánh không bị chín ép, sau đó đổ nước ngập mặt bánh (từ 10-15cm) để luộc.

Chỉ để lửa liu riu trong suốt quá trình luộc bánh chưng. Luôn chuẩn bị 1 ấm nước sôi bên cạnh để khi nước trong nồi cạn, bạn kịp thời tiếp thêm nước, không đổ nước lạnh vào nồi. Khi nước sôi cứ cách 1,5 tiếng cần phải tiếp thêm nước một lần. Khi luộc được nửa thời gian bạn nên mở nắp nồi, đảo mặt bánh để bánh chín đều hơn.

Bánh kích cỡ nhỏ chỉ cần luộc trong khoảng 5 tiếng là chín nhưng bánh cỡ lớn sẽ có thời gian luộc lâu hơn, ít nhất là 12 tiếng.

Sau khi bánh chín, lấy bánh ra khỏi nồi rồi ngâm trong nước lạnh khoảng 20 phút rồi xếp bánh ra mặt bàn, dùng đồ nặng đè lên để ép nước ra khỏi cho bánh ráo ngon và giữ được lâu, thời gian ép hết nước từ khoảng 5 đến 8 tiếng.

Cách thưởng thức bánh chưng đúng cách và tốt cho sức khỏe là ăn kèm với rau xanh và dưa muối, củ kiệu hoặc dưa hành, vừa không gây ngán, vừa cân bằng dinh dưỡng và hỗ trợ tiêu hóa. Nếu đã ăn bánh chưng thì nên hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột khác trong cùng bữa ăn đó.

TB (tổng hợp)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cach-goi-banh-chung-dep-ngon-chuan-vi-403203.html