Cách nào để Việt Nam thu hút vốn FDI khi lợi thế chi phí thấp cạn dần?
Giá thuê đất công nghiệp và chi phí lao động thấp không còn là lợi thế lớn để các nhà sản xuất mở nhà máy tại Việt Nam. Trước áp lực này, nhà đầu tư khu công nghiệp và cả cơ quan hoạch định chính sách thu hút đầu tư cần phải thay đổi thì mới có thể giữ được nhà đầu tư.
(KTSG Online) – Giá thuê đất công nghiệp và chi phí lao động thấp không còn là lợi thế lớn để các nhà sản xuất mở nhà máy tại Việt Nam. Trước áp lực này, nhà đầu tư khu công nghiệp và cả cơ quan hoạch định chính sách thu hút đầu tư cần phải thay đổi thì mới có thể giữ được nhà đầu tư.
Áp lực với chi phí sản xuất tăng nhanh
Theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp thuê đất và tư vấn đầu tư, dù đã tăng liên tục trong ba năm qua nhưng trong thời gian tới, giá cho thuê đất công nghiệp trên cả nước vẫn sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung đất khu công nghiệp mới khan hiếm trong giai đoạn 2024-2025.
Tại Đồng Nai, theo thông tin của nhà phát triển hạ tầng KCN Nhơn Trạch 6, so với giá thuê đất của giai đoạn trước (từ năm 2019 -2024), khung giá mới đã tăng lên 15-20 lần. Cụ thể, ở giai đoạn đó, các công ty hạ tầng ở Đồng Nai thuê đất bình quân mỗi năm khoảng 2.000 đồng/m2 nhưng nay, giá thuê tại các KCN ở Nhơn Trạch tăng lên 35.000-40.000 đồng/m2.
Tình hình cũng tương tự ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Tại Hội nghị sơ kết ngành kế hoạch và đầu tư ngày 15-7 vừa qua, nhiều nguồn tin cho biết, theo chu kỳ thuê mới, giá đất tăng lên rất cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí đầu tư, kéo theo giá dịch vụ cũng gia tăng. Trên thực tế, những năm qua giá đất sản xuất công nghiệp liên tục tăng cao, riêng từ năm ngoái đến nay đã tăng khoảng 15%.
Theo ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu, giá thuê đất công nghiệp và chi phí xây dựng tại Việt Nam gần bằng với Thái Lan và Malaysia. Thậm chí có một số vùng, đất thuê thậm chí cao hơn.
Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển kinh doanh toàn quốc SLP Việt Nam, đánh giá chi phí đất tại một số tỉnh tăng nhanh khiến nhà đầu tư mới gặp khó khăn để cân đối tài chính, đảm bảo giá và tính cạnh tranh của sản phẩm đầu ra.
“Việt Nam từng dựa vào lợi thế lực lượng lao động đông, rẻ và giá thuê đất thấp để thu hút đầu tư nhưng tới đây câu chuyện sẽ phải đi theo hướng khác”, ông Nam nói.
Trong diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) 2024 “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới”, được tổ chức vào ngày 30-7 vừa qua tại TPHCM, ông Tom Over, Giám đốc Vận tải và Công nghiệp JLL châu Á – Thái Bình Dương cũng có ý kiến tương tự.
Theo ông, trong khu vực ASEAN, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là ba quốc gia được nhiều nhà đầu tư quan tâm rót vốn. Trong đó, Thái Lan và Malaysia có ưu thế chính sách đầu tư thông thoáng, nhiều ưu đãi, lao động tay nghề cao còn Việt Nam có lợi thế nhờ chi phí triển khai rẻ, nhân công dồi dào. Tuy nhiên, lợi thế này khó duy trì khi giá thuê đất công nghiệp tại Việt Nam ngày càng cao.
Thay đổi trước khi mất sức hút
Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư khu công nghiệp và cả cơ quan hoạch định chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần phải thay đổi để tạo nên sức hút mới cho điểm đến trước khi lợi thế về giá đất thấp, lao động chí phí rẻ mất đi.
Trao đổi với KTSG Online, bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam, gợi ý KCN sinh thái đang trở thành lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt gắn với các tiêu chí ESG (môi trường – xã hội – quản trị) theo yêu cầu của các chuỗi ngành hàng. Tuy nhiên, việc đưa các mô hình KCX xanh, sinh thái vào phát triển ở Việt Nam còn nhiều khó khăn trong đó có thách thức lớn là chi phí. Vì vậy, đây là vấn đề cần phải giải quyết để tạo sức hút thu hút nhà đầu tư.
Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng có ý kiến tương tự, cho rằng việc chuyển sang thu hút FDI chất lượng cao có chọn lọc, đặt ra thách thức cho các nhà phát triển hạ tầng KCN là phải nâng cao chất lượng. Quy mô phải lớn hơn, hạ tầng đồng bộ hiện đại hơn, đảm bảo môi trường xanh hơn.
Về một số ngành mũi nhọn thu hút đầu tư, nhiều chuyên gia khác góp ý, Việt Nam cần dựa vào nền tảng sẵn có như linh kiện điện tử, dệt may… bởi tỷ trọng đóng góp trong các ngành này còn lớn và còn dư địa để phát triển. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần tiếp tục thay đổi để làm cho môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi hơn, nhất là trong quy trình cấp giấy phép đầu tư. Với những ngành cần thu hút đầu tư như ngành bán dẫn, nhiều nước đã có các chính sách ưu đãi trực tiếp nhưng Việt Nam chưa có. Điều này cần xem xét để tạo thêm hiệu quả thu hút đầu tư.
Theo ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành Frasers Property Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn địa điểm đầu tư. Doanh nghiệp có yêu cầu cao về cơ sở hạ tầng, cân nhắc các yếu tố ưu đãi như hỗ trợ tài chính, nguồn nhân lực tay nghề cao, năng lực sản xuất mạnh… cuối cùng mới là chi phí cạnh tranh. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao tay nghề chuyên môn cho đội ngũ lao động, cải thiện năng lực sản xuất nếu không muốn đánh mất cơ hội cạnh tranh với các nước láng giềng.