Cách phòng ngừa thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp (bảo vệ khớp) bị bào mòn, phá vỡ cấu trúc và không hoạt động tốt như trước nữa, khiến cho các hoạt động đi lại trở nên khó khăn và đau đớn. Vậy có cách nào phòng ngừa không?

1. Các dấu hiệu cảnh báo sớm thoái hóa khớp

- Đau khớp: Đau khớp khi hoạt động là dấu hiệu cảnh báo sớm thoái hóa khớp. Cơn đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi. Đau do viêm xương khớp cũng có thể trở nên tồi tệ hơn ở nhiệt độ lạnh. Viêm xương khớp (thoái hóa khớp) có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào, nhưng đặc biệt phổ biến ở đầu gối, hông, bàn tay và cột sống.

- Cứng khớp: Cứng khớp hoặc cảm giác khó cử động khớp là một dấu hiệu sớm khác của bệnh viêm xương khớp. Cứng khớp thường là tình trạng tệ nhất vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu.

- Sưng khớp: Tổn thương khớp do chấn thương hoặc tình trạng mạn tính như viêm xương khớp gây ra tình trạng viêm. Cơ thể gửi các tế bào miễn dịch vào không gian khớp và các mô xung quanh để giúp chữa lành tổn thương, nhưng phản ứng viêm này cũng có thể gây ra các triệu chứng khác như sưng và đau khớp.

Hình ảnh sưng đau các khớp.

Hình ảnh sưng đau các khớp.

Người bệnh có thể nhận thấy khớp bị sưng nếu bạn bị thoái hóa khớp sớm hoặc có thể nhận thấy vùng đó đau khi chạm vào.

- Có tiếng lạo xạo, lục cục khi di chuyển: Một dấu hiệu cảnh báo khác của thoái hóa khớp là cảm giác lạo xạo hoặc lục cục ở khớp khi di chuyển. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở các khớp khỏe mạnh hoặc sau chấn thương, nhưng nó đặc biệt phổ biến ở các vấn đề mạn tính về khớp như thoái hóa khớp.

- Khó khăn khi di chuyển: Thoái hóa khớp có thể khiến các khớp khó di chuyển trơn tru và trong phạm vi chuyển động đầy đủ.

- Xuất hiện cục cứng trên khớp: Điều này là do khi sụn (bảo vệ khớp) mòn đi, khiến cho xương bên dưới bị tổn thương. Cơ thể phản ứng bằng cách cố gắng phát triển xương mới tại vị trí đó, có thể dẫn đến các cục xương phát triển bên trong khớp, khiến khớp khó di chuyển bình thường hơn. Các đốt xương có thể rất dễ nhận thấy nếu bạn bị thoái hóa khớp ở tay…

2. Khi nào nên điều trị?

Nếu bạn bị đau và cứng khớp, đặc biệt là sau khi ngồi hoặc nghỉ ngơi trong thời gian dài nên đi khám. Thoái hóa khớp nói chung không phải là tình trạng nguy hiểm, nhưng có thể gây đau đớn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc.

Việc chẩn đoán sớm thoái hóa khớp sẽ hữu ích để người bệnh có thể bắt đầu điều trị kịp thời. Khi thoái hóa khớp trở nên tồi tệ hơn, khớp có thể đau liên tục, điều trị sớm có thể giúp người bệnh tránh được tình trạng đau và cứng khớp trở nên tồi tệ hơn.

Các dấu hiệu cho thấy tình trạng thoái hóa khớp do viêm hoặc nhiễm trùng bao gồm:

- Triệu chứng đau khớp xuất hiện đột ngột: Viêm xương khớp thường phát triển trong nhiều tháng đến nhiều năm.

- Đau dữ dội: Viêm xương khớp có thể gây đau đớn, nhưng thông thường người bệnh vẫn có thể cử động khớp. Nếu bạn bị đau nhiều đến mức không thể cử động được, có thể bị nhiễm trùng khớp hay viêm khớp nhiễm trùng.

-Sốt: Đau khớp kèm theo sốt, nhức đầu, phát ban và sưng hạch bạch huyết có thể là dấu hiệu của nhiễm virus.

3. Phòng ngừa thoái hóa khớp như thế nào?

Càng lớn tuổi tình trạng hao mòn khớp càng xảy ra nhiều hơn. Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn thoái hóa khớp, nhưng thực hiện một lối sống lành mạnh có thể giúp ích cho sức khỏe tổng thể và sức khỏe của các khớp như: Duy trì cân nặng khỏe mạnh, kiểm soát lượng đường trong máu, tập thể dục và bảo vệ các khớp khỏi bị thương… sẽ làm giảm khả năng phát triển thoái hóa khớp và giúp thoái hóa khớp không trở nên tồi tệ hơn.

- Duy trì cân nặng cơ thể khỏe mạnh: Cân nặng tăng thêm sẽ gây áp lực lên các khớp, có thể gây tổn thương nhiều nhất cho hông, đầu gối, mắt cá chân và bàn chân. Mô mỡ cũng tạo ra các protein gây sưng ở các khớp và thay đổi sụn. Do đó hãy giảm cân, nếu bạn thừa cân béo phì.

- Kiểm soát lượng đường trong máu:Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp. Do đó, đối với người đái tháo đường, nên kiểm tra đường máu thường xuyên. Trao đổi với bác sĩ về cách kiểm soát lượng đường trong máu nếu chúng quá cao.

Đường trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp.

Đường trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp.

- Vận động mỗi ngày:Tập thể dục là giải pháp tốt để ngăn ngừa các vấn đề về khớp, giúp giữ cho các khớp không bị cứng, cơ bắp khỏe mạnh. Đây cũng là một phần quan trọng trong việc điều trị viêm khớp. Do đó, cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần. Tham khảo ý kiến chuyên gia về bài tập phù hợp, an toàn cho bạn.

- Ngăn ngừa chấn thương cho khớp:Chấn thương khớp làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp, do đó khi vận động nên bắt đầu từ từ và tăng dần mục tiêu. Mỗi lần tập thể dục, hãy dành 5 đến 10 phút để khởi động bằng các động tác nhẹ nhàng, giúp ngăn ngừa chấn thương cho cơ, khớp, dây chằng và gân.

Bên cạnh đó, hãy cẩn thận với các hoạt động hàng ngày (vì một số hoạt động gây thêm áp lực lên các khớp), sử dụng thiết bị tập thể dục và đồ bảo hộ theo hướng dẫn, đảm bảo đồ bảo hộ thoải mái và vừa vặn…

- Chú ý đến cơn đau khớp:Khi có dấu hiệu đau khớp cần cho khớp được nghỉ ngơi; sử dụng túi chườm đá để giảm đau và đi khám khi tình trạng không thuyên giảm theo thời gian.

Các dấu hiệu sớm của bệnh thoái hóa khớp bao gồm đau, cứng và sưng ở tay, hông, đầu gối và lưng. Cảm giác lạo xạo hoặc lục cục khi vận động và giảm phạm vi chuyển động cũng thường gặp ở bệnh thoái hóa khớp.

Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp có thể khó phân biệt với các vấn đề về khớp khác, nhưng các triệu chứng khởi phát đột ngột, sốt và đau khớp dữ dội thường là dấu hiệu của các tình trạng nguy hiểm hơn như viêm khớp hoặc nhiễm trùng, cần đi khám ngay.

Mời bạn xem thêm video:

Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên tránh ăn gì? | SKĐS

DS. Hải Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-phong-ngua-thoai-hoa-khop-16925021120025101.htm