Nếu bị cúm có những biểu hiện dưới đây, người dân nên đến viện ngay

Để phòng cúm đang diễn biến phức tạp, nhiều người dân ở Huế đến cơ sở y tế để tiêm vaccine. Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh.

Người dân đi tiêm phòng cúm tăng

Trước diễn biến của bệnh cúm ở các tỉnh, thành trong cả nước, tại Huế, để chủ động dự phòng cũng như giảm bớt lo lắng, nhiều người dân đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine.

Ghi nhận tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Huế, lượng người tiêm vaccine phòng cúm đang tăng cao. Tính từ đầu năm 2025 đến ngày 10/2, có 888 người đến tiêm vaccine phòng cúm. Trong đó, riêng những ngày sau kỳ nghỉ Tết đến nay có 571 người, tăng 399 người so với cùng kỳ năm 2024.

Người dân đến tiêm chủng vaccine phòng cúm tại CDC TP Huế.

Người dân đến tiêm chủng vaccine phòng cúm tại CDC TP Huế.

Anh N.Đ.V. cho biết, thường xuyên theo dõi các bản tin về sức khỏe, biết được hiện nay bệnh cúm diễn biến phức tạp nên vợ chồng anh đưa con nhỏ đi tiêm chủng vaccine.

"Trẻ nhỏ dễ bị cúm, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ngoài việc chủ động cho con tiêm phòng, chúng tôi cũng sẽ chủ động trong việc giao lưu, sinh hoạt, vui chơi để giữ gìn sức khỏe cho cháu", anh V. nói.

Hiện nay CDC TP Huế đang sử dụng vaccine phòng cúm dịch vụ Influvac tetra (Hà Lan). Bệnh cúm đang được theo dõi trong hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm theo tháng.

Trong khi đó, thời điểm này, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận nhiều ca bệnh cúm. Đang nằm ở khoa Bệnh Nhiệt đới, ông T.T.T. (61 tuổi) cho biết, cách đây 4 ngày bị sốt cao, khó thở, ho nhiều, mệt mỏi toàn thân không thể đi lại nên được người nhà đưa vào cấp cứu.

Qua thăm khám, ông T. được các bác sĩ chẩn đoán mắc cúm A. Đến nay, sau 3 ngày điều trị, sức khỏe dần ổn định.

BS.CKII Nguyễn Xuân Hiền, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, dịp trước và sau Tết Nguyên đán, bệnh nhân mắc cúm vào điều trị có chiều hướng gia tăng.

Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận ca biến chứng nặng. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm xác định mắc cúm A, hoặc cúm B đều được bố trí nằm ở phòng cách ly để hạn chế lây nhiễm cho bệnh nhân khác.

Theo BS.CKII Nguyễn Xuân Hiền, với điều kiện thời tiết như hiện nay, nhận định số ca mắc cúm trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, người bệnh nghi ngờ mắc bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn dùng thuốc.

Làm gì để phòng cúm?

TS.BS Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, cúm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn tuổi là những đối tượng không nên xem nhẹ. Cúm có thể gây ra bệnh từ nhẹ đến nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột, người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các dấu hiệu và triệu chứng như sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ hoặc đau nhức cơ thể, đau đầu, mệt mỏi.

Bệnh nhân T.T.T. (61 tuổi) mắc cúm đang điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Huế).

Bệnh nhân T.T.T. (61 tuổi) mắc cúm đang điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Huế).

Ngoài ra, một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ em so với người lớn. Điều cần lưu ý là không phải tất cả những người bị cúm đều bị sốt.

"Hầu hết người bị cúm sẽ hồi phục trong vài ngày đến dưới hai tuần. Nhưng một số người sẽ phát triển các biến chứng như viêm phổi do cúm, một số trong số đó có thể đe dọa tính mạng và tử vong...", TS.BS Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ.

TS.BS Nguyễn Đức Hoàng khuyến cáo, với trẻ em có triệu chứng như thở nhanh hoặc khó thở, môi hoặc mặt tái nhợt, xương sườn co vào mỗi lần thở, đau ngực, đau cơ nặng, mất nước, không tỉnh táo hoặc không tương tác khi thức, co giật, sốt 40 độ C trở lên không được kiểm soát bằng thuốc hạ sốt… cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.

Còn đối với người lớn, khi có các triệu chứng như khó thở hoặc thở gấp, đau dai dẳng hoặc tức ngực hoặc bụng, chóng mặt dai dẳng, co giật, không đi tiểu, đau cơ dữ dội, yếu hoặc mất thăng bằng dữ dội, sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó lại tái phát hoặc nặng hơn…cũng cần được thăm khám kịp thời để xử trí phù hợp.

Lãnh đạo CDC TP Huế cho biết, để chủ động phòng chống bệnh cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người dân và cộng đồng thực hiện hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Thực hiện giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

"Người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc về điều trị mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Đặc biệt, chủ động tiêm phòng để phòng cúm và giảm ảnh hưởng của cúm", lãnh đạo CDC TP Huế nhấn mạnh.

Chớ coi thường bệnh cúm mùa, tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/neu-bi-cum-co-nhung-bieu-hien-duoi-day-nguoi-dan-nen-den-vien-ngay-169250212212430163.htm