Cách viết thư UPU lần thứ 54 đúng chủ đề và sáng tạo
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025 không chỉ là một sân chơi bổ ích mà còn giúp học sinh nâng cao kỹ năng viết, tư duy phản biện và khả năng trình bày quan điểm một cách thuyết phục.
Chủ đề cuộc thi viết thư UPU 2025
Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.
Chủ đề cuộc thi năm 2025 là: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó, giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”. (Tiếng Anh: “Imagine you are the ocean. Write a letter to someone explaining why and how they should take good care of you”).
Đây là một chủ đề mang tính thời sự, khuyến khích học sinh thể hiện sự sáng tạo và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là đại dương và các nguồn nước trên hành tinh.
Cách viết thư UPU 2025 hay và sáng tạo
Xác định rõ chủ đề và thông điệp
Trước tiên, học sinh cần đọc kỹ chủ đề để hiểu rõ yêu cầu của cuộc thi, sau đó, hãy xác định thông điệp chính bạn muốn truyền tải. Một bức thư ấn tượng là bức thư có nội dung sáng tạo, góc nhìn độc đáo và liên hệ thực tiễn với cuộc sống. Hãy suy nghĩ về những tác động tiêu cực đại dương đang phải chịu, như ô nhiễm rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức... đồng thời đưa ra giải pháp và lời kêu gọi hành động.
Bố cục bức thư
Một bức thư tham gia thi viết thư UPU cần có bố cục rõ ràng, có thể gồm ba phần:
Mở đầu: Giới thiệu người nhận thư và lý do viết thư một cách tự nhiên, lôi cuốn. Học sinh có thể viết thư gửi một nhà lãnh đạo, một nhà khoa học, một tổ chức môi trường hoặc bất kỳ ai quan tâm, có ảnh hưởng đến việc bảo vệ đại dương.
Nội dung chính: Trình bày quan điểm về chủ đề bằng những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể. Các em có thể sử dụng ví dụ thực tế để minh họa về tình trạng ô nhiễm đại dương và tác động của con người, đồng thời nêu lên những biện pháp cần thực hiện để bảo vệ môi trường biển.
Kết luận: Nhấn mạnh thông điệp chính, thể hiện hy vọng về một tương lai xanh sạch hơn và kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ đại dương.
Sử dụng ngôn ngữ mạch lạc, sáng tạo
Để bài viết thu hút, học sinh cần đảm bảo văn phong rõ ràng, giàu cảm xúc và phù hợp với người nhận. Một bức thư hay không chỉ cung cấp thông tin mà còn chạm đến cảm xúc của người đọc. Tránh viết sáo rỗng. Nên cố gắng thể hiện cá tính riêng qua cách diễn đạt. Học sinh có thể hóa thân vào đại dương, kể câu chuyện của mình bằng góc nhìn của thiên nhiên để tạo ấn tượng mạnh mẽ.
Lưu ý về hình thức và nguyên tắc
Ngoài nội dung, hình thức trình bày cũng rất quan trọng. Thí sinh cần tuân thủ giới hạn số từ theo quy định của ban tổ chức (không quá 800 từ); không sao chép từ các nguồn khác, đảm bảo tính nguyên bản của bài viết; kiểm tra kỹ lỗi chính tả và ngữ pháp trước khi nộp bài.
Khi tham gia, học sinh cũng lưu ý nắm vững thể lệ, quy định, thời gian nhận bài dự thi để có một bài dự thi hợp lệ.
Theo Ban Tổ chức, đối tượng dự thi là học sinh Việt Nam từ 9 đến 15 tuổi (tính đến thời điểm gửi thư tham dự cuộc thi). Các em cần đảm bảo đúng những quy định sau:
Thứ nhất, bức thư là sản phẩm sáng tạo của cá nhân học sinh, viết dưới dạng văn xuôi theo chủ đề của cuộc thi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.
Thứ hai, các bức thư dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo sẽ chấm theo bản tiếng Việt.
Thứ ba, bức thư dự thi trình bày rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (lưu ý không viết vào mặt sau, có thể viết nhiều tờ, đánh số trang, ghim lại để tránh bị nhầm lẫn). Bức thư dự thi đánh máy vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ.
Thứ tư, ở góc trên cùng bên trái bức thư dự thi cần ghi đầy đủ các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố), số điện thoại. Bức thư dự thi không ghi đầy đủ các nội dung trên là không hợp lệ.