Cải cách, đổi mới để tăng trưởng kinh tế

Để Việt Nam đạt trạng thái thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng hàng năm phải tăng lên 5,4%, cùng với đó là tăng năng suất và cải tiến công nghiệp

Ngày 24-10, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) phối hợp Trường ĐH Đông Á khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế "Thách thức của Việt Nam: Hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045". Gần 200 chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự.

GS Trần Văn Thọ cho rằng cần tập trung thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

GS Trần Văn Thọ cho rằng cần tập trung thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hội thảo đã công bố những nội dung chính từ Báo cáo ERIA. Đây là một dự án nghiên cứu kéo dài 2 năm của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á, có tên "Việt Nam 2045: Các vấn đề và thách thức đối với phát triển", đã trình lên lãnh đạo hai nước Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11-2023.

Trình bày tham luận "Về vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng: Chính sách tránh bẫy thu nhập trung bình", GS Trần Văn Thọ (Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản) cho rằng Việt Nam cần tập trung vào các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện thị trường, nâng cao giáo dục và đào tạo cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Trong khi đó, GS Yasuhiro Yamada, thành viên cao cấp về chính sách ERIA, nhấn mạnh để Việt Nam đạt được trạng thái thu nhập cao vào năm 2045, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm phải tăng 5,4%, yêu cầu phải nâng cao năng suất và cải tiến công nghiệp.

Kinh tế cần chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên đầu vào sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh vào vốn nhân lực, hiệu quả thị trường lao động và vốn, cạnh tranh và ứng dụng công nghệ.

Công nghệ số đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này. Các ngành công nghiệp chính như điện tử, nông nghiệp tiên tiến, dệt may, các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số, ô tô, chăm sóc sức khỏe và năng lượng dự kiến sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nền kinh tế tuần hoàn…

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình từ 6-7% mỗi năm trong thập kỷ qua, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á.

Các ngành xuất khẩu như dệt may, điện tử và nông sản... đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, việc tiếp tục cải cách, đổi mới để tăng trưởng kinh tế là điều tất yếu; đồng thời cần sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số như công nghiệp 4.0, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo…

HẢI ĐỊNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cai-cach-doi-moi-de-tang-truong-kinh-te-196241024170642389.htm