'Cái khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền, đợt này thì có tiền rồi'

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói như trên khi hồi âm ý kiến đại biểu về tác động của chính sách cải cách tiền lương khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội, chiều 27/5.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

“Vấn đề cải cách tiền lương, chúng ta chuẩn bị hơn 20 năm rồi, nói đi nói lại. Cái khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền, đợt này thì có tiền rồi, 680.000 tỷ đồng đã báo cáo Quốc hội rồi”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói như trên khi hồi âm ý kiến đại biểu về tác động của chính sách cải cách tiền lương khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội, chiều 27/5.

Trong gần 1 ngày thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ lo ngại khi những quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chưa được đánh giá tác động đầy đủ, khi Chính phủ mới đề xuất thay “mức lương cở sở” bằng “mức tham chiếu” trong Dự thảo Luật.

Dự thảo quy định, mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này. Mức tham chiếu được tính bằng mức lương cơ sở, khi bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu được Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

Nhưng theo nhận xét của nhiều đại biểu, vấn đề này chưa có báo cáo đánh giá đầy đủ tác động chính sách gửi đến đại biểu Quốc hội.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, cải cách tiền lương là cấp bách, cần thiết. “Nhưng cũng phải nói thật, đây là vấn đề mới, phức tạp. Cốt lõi của cải cách tiền lương chính là trả lương theo vị trí việc làm’, ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng, liên quan đến cải cách tiền lương, dự thảo chỉ đề xuất 3 việc.

Một là, mức tham chiếu. Bản chất mức tham chiếu là một khái niệm mới, thay thế cho mức lương cơ sở. Bởi vì trong Nghị quyết 27 có nói là bãi bỏ mức lương cơ sở.

“Mức tham chiếu thực chất là gì? Là mức được tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, CPI và trên thực tiễn, cũng như thu - chi. Nó thay cho mức lương cơ sở, chứ còn bản chất không có vấn đề gì”, Bộ trưởng giải thích.

Vẫn theo Bộ trưởng, nếu thời gian tới, Nghị quyết 27 chưa bãi bỏ ngay thì mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng, sẽ tiếp tục sử dụng mức này. Còn nếu như sau Nghị quyết 27 nâng lên một bước nữa, nâng lên mấy chục phần trăm chẳng hạn, đó vẫn là mức lương cơ sở, bản thân đó là tham chiếu.

“Nhưng chúng ta phải hình dung rằng nếu dùng với mức tham chiếu này thì có thể dài hơn cho luật này. Nhỡ đâu đến năm 2026 - 2027, chúng ta bỏ mức lương cơ sở thì bấy giờ sửa luật làm sao được?”, ông Dung giải thích.

Liên quan đến quy định hưởng bảo hiểm 1 lần, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1: Người lao động được chia làm 2 nhóm.

Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành (Nghị quyết số 93/2015/QH13).

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1, nhưng ý kiến đại biểu còn khác nhau, có người cho rằng tích hợp cả hai để có phương án mới.

Nhấn mạnh hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm nhất trong Luật Bảo hiểm xã hội và cũng là vấn đề phức tạp nhất phải xử lý, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đưa ra 2 phương án trên và cũng nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế, hội thảo, trao đổi, nghiên cứu các giải pháp…

Đến ngày 25/5 vừa rồi, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về vấn đề này và thấy không có phương án nào khác cả.

“Tôi có đọc báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút nhiều nhất hiện nay, đặc biệt là phía Nam, khu vực Đông Nam Bộ thì tuyệt đại bộ phận các ý kiến gửi cho tôi đều nói chọn phương án 1. Tôi thấy rất ít người đề xuất phương án 2, hầu hết người lao động đều đề xuất phương án 1”, Bộ trưởng thông tin.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói, đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, để lựa chọn phương án làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của Quốc hội trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét.

Căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội và chất lượng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét thông qua dự thảo luật hay không thông qua trong giai đoạn sau của kỳ họp, theo Phó chủ tịch Quốc hội.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cai-kho-nhat-cua-cai-cach-tien-luong-la-khong-co-tien-dot-nay-thi-co-tien-roi-d216163.html