Cải lương vẫn còn sức sống

Liên hoan Cải lương (LHCL) toàn quốc là một sân chơi quen thuộc của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp trên toàn quốc. Khi liên hoan được tổ chức tại Long An, chúng tôi mới có dịp được cảm nhận rõ sức sống của cải lương vẫn còn nguyên vẹn, mạnh mẽ và chưa bao giờ dứt.

Một vở diễn xuất sắc

Bên dòng Long Khốt của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An là 1 trong 2 vở diễn vinh dự nhận giải Vở diễn xuất sắc tại LHCL toàn quốc - 2021. Một vở diễn dàn dựng mới, giao cho các diễn viên trẻ “đứng mũi chịu sào” đã chinh phục được Hội đồng Nghệ thuật của liên hoan.

Màn hình led góp phần mở rộng không gian sân khấu và tăng tính ước lệ cho cảnh trí trong vở Bên dòng Long Khốt

Màn hình led góp phần mở rộng không gian sân khấu và tăng tính ước lệ cho cảnh trí trong vở Bên dòng Long Khốt

Tiến sĩ, Nghệ sĩ (NS) nhân dân Triệu Trung Kiên (người chuyển thể cải lương, đạo diễn vở Bên dòng Long Khốt) đánh giá cao sự nhiệt huyết, nỗ lực của các diễn viên trẻ. Áp lực và niềm tự hào khi được thử sức với những vai diễn “nặng ký” khiến các NS trẻ nỗ lực gấp nhiều lần. NS Thu Mỹ kể, suốt hơn 1 tháng tập luyện vở Bên dòng Long Khốt, chị như “ăn ngủ cùng nhân vật”. “Trong vở, tôi vào vai Đa-vi, một cô gái trẻ người Campuchia nên cũng gặp khó khăn vì nhân vật là người nước ngoài, khác nhau về văn hóa, phong tục, nếp sống,... Có những đoạn, nhân vật múa điệu múa truyền thống của nước bạn, để làm tốt, tôi phải tập luyện nhiều, có khi đang làm việc khác nhưng vẫn vô thức múa” - NS Thu Mỹ chia sẻ.

Ngoài những phân cảnh múa điệu múa truyền thống của nhân vật chính, Bên dòng Long Khốt còn đưa nghệ thuật múa vào nhiều phân đoạn khác nhằm tăng tính ước lệ, giúp khán giả hiểu rõ về sự khốc liệt của lịch sử thời điểm đó nhưng vẫn giữ được sự nhẹ nhàng, nghệ thuật. Phần đọc lời dẫn sau cánh màn nhung giúp khán giả hiểu hơn về giai đoạn lịch sử mà vở diễn nhắc tới. Các đoạn thay đổi cảnh trí được “lấp đầy” bằng hiệu ứng âm thanh, giúp khoảng thời gian chờ đợi bớt nhàm chán và khán giả không bị mất cảm xúc trong quá trình chờ chuyển cảnh.

Một trong những điểm nhấn tạo nên sự thành công chung của Bên dòng Long Khốt là việc phát huy ưu điểm của màn hình led vào tạo cảnh trí sân khấu. Toàn vở diễn như cuốn phim về một giai đoạn lịch sử dài với nhiều biến động. Bối cảnh chuyển đổi liên tục từ phum, sóc ở bên kia biên giới, căn cứ của Khmer đỏ đến đồn biên phòng của bộ đội ta bên dòng Long Khốt và không gian chiến trường ác liệt. Đặc biệt, ngoài yếu tố hiện thực, vở diễn còn thể hiện những mảng ký ức và hình ảnh 2 bên chiến tuyến trên cùng một sân khấu. Tất cả những điều đó được thể hiện rõ nét nhờ hiệu ứng ánh sáng kết hợp màn hình led phía sau sân khấu trên nền một cảnh trí chính. Các bối cảnh thay đổi liên tục nhưng không mất quá nhiều thời gian, giúp vở diễn được liên tục, cảm xúc không bị ngắt quãng.

Hình ảnh 2 bên chiến tuyến được thể hiện trên cùng một sân khấu trong vở Bên dòng Long Khốt

Hình ảnh 2 bên chiến tuyến được thể hiện trên cùng một sân khấu trong vở Bên dòng Long Khốt

Tâm huyết của người làm nghề

Không chỉ có Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, nhiều đơn vị nghệ thuật khác cũng sử dụng màn hình led vào cảnh trí trong vở diễn. Khi được sử dụng có chủ đích, màn hình led giúp mở rộng không gian sân khấu, hòa vào cảnh trí tạo thêm sự sinh động và gây ấn tượng cho khán giả; đồng thời, giúp các đơn vị tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình chuẩn bị cảnh trí cho vở diễn. Huyền thoại gò rồng ấp, Trái tim và đôi mắt, Khơi nguồn, Điều còn lại,... là những vở diễn sử dụng màn hình led một cách hiệu quả, tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh và cảm xúc đẹp cho khán giả. Đạo diễn Mai Thắm (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An) cho rằng, việc khéo léo sử dụng màn hình led giúp không gian sân khấu trở nên lung linh, đẹp mắt hơn, tạo hiệu ứng tốt, lột tả hết ý đồ của tác giả và đạo diễn.

Hình tượng Nguyễn Đình Chiểu nổi bật nhờ màn hình led trong vở Trái tim và đôi mắt

Hình tượng Nguyễn Đình Chiểu nổi bật nhờ màn hình led trong vở Trái tim và đôi mắt

Cải lương vốn thu hút bởi tính ước lệ trên sân khấu nên việc sử dụng màn hình led trước đây từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi nhiều đơn vị dùng màn hình led thay thế hoàn toàn cho cảnh trí sân khấu. Nhưng tại LHCL toàn quốc - 2021, việc sử dụng công nghệ màn hình led một cách tinh tế đã giúp phát huy tối đa ý tưởng sáng tạo của người làm nghệ thuật, giúp vở diễn thêm phần hấp dẫn và giàu cảm xúc. Điều đó thể hiện sự đầu tư nghiêm túc của các đơn vị nghệ thuật khi xây dựng vở diễn tham gia liên hoan. Ứng dụng cái mới trên nền tảng tôn trọng và phát huy giá trị truyền thống chính là minh chứng cụ thể nhất cho sự thích nghi, phát triển của nghệ thuật cải lương trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, tâm huyết của những NS, đạo diễn, nhà sản xuất cải lương cũng cho thấy cải lương vẫn có sức sống mạnh mẽ. Trong số 5 vở diễn đoạt huy chương vàng tại liên hoan, vở Truyền thuyết chàng Sa Mộc của Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt, một đơn vị ngoài công lập, để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả bởi cảnh trí sân khấu được chuẩn bị công phu, kết hợp màn hình led, kỹ thuật sử dụng đèn màu khiến không gian sân khấu lung linh. Lối diễn xuất đầy nội lực của các NS đã thu hút người xem đến những phút cuối cùng. Chị Kiều Oanh (phường 3, TP.Tân An) nhận xét sau khi xem vở Truyền thuyết chàng Sa Mộc: “Tôi rất thích vở diễn vì nội dung ý nghĩa, có bi, có hài. Diễn xuất của NS Võ Minh Lâm và Tú Sương rất xuất sắc, bài bản ca phong phú. Vở diễn có nhiều cảnh nhưng chuyển cảnh nhanh, gọn, khán giả không phải chờ đợi lâu”.

Trong LHCL toàn quốc - 2021, nhiều đơn vị ngoài công lập tham gia và có nhiều NS trẻ hơn so với trước đây. NS, đạo diễn Điền Trung (Công ty TNHH Giải trí Sân khấu Kim Ngân) cho biết, anh đã nhiều lần tham gia LHCL toàn quốc nhưng đây là lần đầu tiên đảm nhiệm cả 2 vai trò: NS và đạo diễn. Trách nhiệm và áp lực nhiều nhưng anh xem đó là cơ hội thử thách bản thân, thể hiện tình yêu của mình dành cho nghệ thuật cải lương và “giải bài toán” về kinh phí của một đơn vị ngoài công lập khi tham gia LHCL toàn quốc.

Nghệ sĩ, đạo diễn Điền Trung vừa là đạo diễn, vừa tham gia diễn xuất trong vở Duyên kiếp

Nghệ sĩ, đạo diễn Điền Trung vừa là đạo diễn, vừa tham gia diễn xuất trong vở Duyên kiếp

LHCL toàn quốc - 2021 khép lại nhưng âm hưởng tiếng đờn, ca còn vang vọng. Sự thành công của liên hoan chính là lời khẳng định cải lương vẫn được mến yêu và gìn giữ, phát huy./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cai-luong-van-con-suc-song-a146995.html