Cái thẻ nhớ không hình

Mưa dữ dội hơn, nước từ các con khe, con suối đã ngập tràn quanh chỗ cả bọn đứng. Gã áo xanh không còn kiên nhẫn. Hắn lao tới chộp cái máy quay như con hổ vồ mồi. Hai bên giằng co và hắn… buông tay. Tuấn mất đà chân bật ngửa, lăn cuộn tròn, thân hình nhỏ thó mất hút dưới đáy sâu của xăn đá trong rậm rạm của cây cối che phủ, trong tiếng thác ầm ầm, tiếng mưa ào ạt.

Má Út khơi lại bếp lửa bằng đôi đũa sắt. Mớ tro nóng được gạt sang một bên. Lòng bếp rộng hơn ra. Má chụm thêm vào bếp vài gốc củi. Lòng bếp được khơi thêm ra, ngọn lửa lại bùng cháy mạnh hơn soi tỏ mặt người. Người già làng có mái tóc trắng như bông lau mùa giáp Chạp ngồi trước bếp lửa gương mặt trầm ngâm. Ngọn lửa hắt màu đỏ làm mặt thêm cương nghị.

- Mai đi tìm một lần nữa, không thấy xác thì cũng phải về làm ma. Bảy ngày rồi, không để lâu được nữa.

Giọng nói rắn rỏi trong thinh không. Có đôi tiếng khóc thút thít của những người đàn bà ngồi quanh bếp.

- Bắt con gà trống nhốt lại. Nếu mai tìm không ra xác thì lấy con gà đó làm ma. Phải có xác thế mạng, không thể chôn hòm rỗng. Quần áo nó cũng phải xếp rồi bỏ theo. Bây coi liệu mà chia của.

Tiếng khóc rưng rức hơn. Có tiếng bước chân lục đục đi xuống cầu thang. Bếp lửa giữa nhà rông vẫn cháy bập bùng. Mấy đêm nay bếp lửa thức đỏ. Khi ngọn lửa nhà rông thức là nóc ắt có chuyện. Một là hỉ sự hai là tang sự.

*

Tuấn men theo con đường mòn nhỏ bên bờ sông, những rều rác, gỗ bìa, cả thân gỗ to còn mắc lại chổng chênh bên các bụi rù rì, trên bãi đá. Dòng nước đầu nguồn con sông Mùi vẫn trong ngọt, dịu mát. Có ai nghĩ con nước thanh mảnh kia lại có lúc cuốn phăng cả những gốc cây, những cành to, những mảng bìa gỗ nặng đến mấy người khiêng.

Đạp chân lên một tấm gỗ bị vùi một nửa thân còn nửa thân phơi lên giữa bãi đá, Tuấn biết đây là loại gỗ Sơn Huyết quý hiếm, thân gỗ đỏ tựa máu. Có lẽ vì sau khi xẻ phát hiện thân cây bị bộng nên bọn trộm đã bỏ tấm này lại. Tuấn đưa máy hình lên chụp. Tách. Rồi anh lại bước tiếp.

Mặt trời đứng bóng, bước chân Tuấn càng gần về phía đầu nguồn. Từ trên đỉnh dốc cây Chay nhìn xuống, Thuận Nà hiện ra trước mặt. Nhưng thay vì rừng tre bạt ngàn như trong kí ức của mình thì Tuấn lại thấy một vùng đất mênh mông, bằng phẳng. Rừng tre đâu rồi? Tuấn giật mình. Hay là mình đi lạc? Anh tự hỏi. Không thể nào, lên Thuận Nà chỉ có một con đường duy nhất, nội, ba đã dẫn anh hàng trăm lần đi lấy măng, bắt ốc, bứt mây, cái đôi chân từ khi còn non đến khi chai sạn và cứng cáp cũng bởi bươn chải trên vùng đất này.

Tuấn lao nhanh xuống con dốc và ra giữa nà đất mênh mông. Một vùng đất mang màu xam xám của tro, màu đen của than. Cây keo non đã được trồng trên nền đất mới đốt, vết đất còn chưa khô. Những gốc tre cháy chưa hết trơ hình hài đen đúa. Thuận Nà đúng rồi, dấu vết bãi tre còn đây. Nhưng ai đã phát đốt nơi này để làm rẫy? Tuấn nhìn lên phía đầu sông, hình như vẫn còn đôi ba bụi tre. Anh sải bước nhanh về phía đó. Bờ rẫy, những bụi tre sót lại lưa thưa, thân tre bị ngọn lửa liếm sém cháy một bên, lá cành héo úa như hờn, như buồn tủi, rầu rĩ. Tuấn thấy lòng xót.

- Dân làng mình sống được là nhờ bãi tre, nhờ rừng mây, nhờ vườn chè trên ngọn Nhúc, trên đỉnh núi Chúa đó. Không có bãi tre, không có rừng mây dân mình có mà chết lâu rồi. Đừng có mà ham tiền rồi bội bạc núi rừng nghe con.

Đó là lời dặn của nội trong những lần dẫn Tuấn đi gùi măng, đi bẻ chè. Cái bãi măng Thuận Nà nội cũng không biết có từ đời nào nhưng bao nhiêu đời già làng đều dặn con cháu giữ gìn như giữ của riêng từng nhà. Đến cả việc thu hái măng cũng có quy định hẳn hỏi. “Măng tháng ba miệng la tay bắt/ Măng tháng mười ai cắt mặc ai”. Thu hái măng chỉ được thu hái vào mùa thu, mùa đông. Khi sang mùa xuân thì phải để măng mọc thành tre. Tuấn vẫn nhớ lời nội dặn, nhưng giờ đây lời dặn ấy trở thành vô nghĩa mất.

Minh họa: Đặng Tiến

Minh họa: Đặng Tiến

Ai là người phát bãi tre để làm rẫy? Anh Thành chẳng đã nói khu rừng từ Đá Rồ trở lên là rừng cấm, rừng phòng hộ đầu nguồn Phú Ninh đó sao? Phát một bãi tre rộng tới mười mấy hécta chứ phải bẻ một nhành quế, bẻ một trái chuối chín trên buồng chuối đâu mà không ai hay biết? Tuấn đắn đo suy nghĩ. Người Kor dù có tệ bạc đến đâu họ cũng biết phải trái, biết ơn núi rừng, đời nào họ lại làm cái chuyện trái nghĩa.

Đang nghĩ ngợi chợt có tiếng con vượn đâu đó trên triền núi hú vang. Họa điệu với tiếng hú của vượn, bầy chim bồ chao cũng chí chóe trăm thứ âm thanh vang động cả một khoảng rừng. Mặt trời đã ngó nghiêng, Tuấn bần thần trở ra con đường cũ.

*

Người ta khiêng nội về phía cánh rừng, trên triền núi Chúa, chỗ vườn chè vào sâu một con dốc nữa. Gần một gốc cây chò cổ thụ, nơi có vạt đất khá bằng phẳng, người ta đào một huyệt mộ nho nhỏ và chôn nội ở đó, đầu quay về phía đỉnh núi. Trước khi chết ông nội đã dặn kĩ, đem chôn nội ở đó. Đó là vườn chè từ thời tổ tiên của nóc mình trồng ra. Một thời dân lấy chè, lấy mây, lấy măng đổi gạo, đổi mắm muối. Nội dặn những thứ ông bà để lại chưa bao giờ làm con cháu đói vì nó cả. Bao nhiêu đời già làng đều được chôn trong rừng ấy. Dây mây không biết phải vì thế không mà trườn mình dài quấn ôm lấy nhau mà lớn, mà dẻo dai. Cây chè không biết phải vì thế không mà cứ vươn cao lên giữa một khoảnh rừng già. Lá chè ngọt chát đến lâng lâng. Và chẳng biết có phải vì cả nóc đều uống nước chè từ vườn chè ấy không mà mấy trăm năm nay chẳng nghe ai nói có người chết vì bệnh tật.

Ông nội chết, hai ngày quàn xác tại nhà rông để mo làm lễ cúng, sáng ngày thứ ba thì chôn. Cái chiêng lớn được lấy xuống đánh lên từng hồi. Chỉ có già làng chết mới được mang cái chiêng ấy xuống, còn người dân bình thường chỉ được đánh thanh la. Đêm trước ngày đưa ma, bà nội ngồi bên bếp lửa giữa nhà rông. Cứ lửa nguôi là bà bỏ thêm những khúc củi to hơn vào để lửa thức. Bà bắc ấm nước chè trên bếp sôi ùng ục. Rồi lại dần ấm chè sang một bên bếp. Không biết có phải vì thứ nước chè chát ấy không mà mắt nội ráo hoảnh. Nội lật đật đi chia của. Sống thế nào thì chết cũng đủ đầy thế ấy. Một tấm chiếu, cái khố, cái nồi đồng nhỏ nhỏ, chén dĩa, có cả cái ché rượu nhỏ, cái gùi nhỏ bỏ cái rựa ông thường hay mang đi núi vào đó.

Người ta không đắp mả cao lên mà xây quanh mả một viền đá núi. Ba năm mới được đi thăm mả, thế nên để nhớ vị trí thì chỉ có thể xây đá quanh mả. Bà vịn tay vào gốc cây chò, ngó lên chót vót ngọn cây rồi ngó về phía mả ông trước khi ra khỏi rừng.

Vườn chè dần bị thu hẹp. Những cây chè bị đốn hạ một cách lén lút, bị chặt đến sát gốc. Những bụi mây trong vườn chè ấy cũng bị phát, thân bị băm thành từng đoạn. Rẫy keo cứ lấn dần, lấn dần. Nội ra phía đầu làng, đưa mắt qua con sông Mùi, ngó lên phía vườn rồi thở dài như ngọn gió qua triền núi Chúa trong một chiều thu. Buồn mênh. Trên tay, chiếc gậy bằng gốc dây mây chà đã mòn nhẵn thín, cứng cáp, nhưng dù cứng cáp đến mấy cũng không thể chống đỡ được cái nỗi khổ đè xuống tâm hồn của người già làng. Cây chò vẫn còn đó, ngọn vẫn vươn cao kiêu hãnh. Bọn trộm chưa thó tới. Không biết vì lí do gì. Nhưng ai dám chắc rằng một mai khi trên núi Chúa kia chẳng còn cây gỗ to để chúng hạ thì chúng cũng không nghĩ tới cây chò đẹp mã ấy?

Thi thoảng Tuấn qua bên vườn chè, trèo lên những cây chè cao để bẻ những ngọn chè xanh mướt. Cái gùi khi trở về nặng trịch những nhánh chè. Nội băm những nhánh chè cho nhỏ, để trong cái nia nhỏ và gác lên trên giàn bí trước nhà. Nội để đó qua hai đêm ba ngày, chiều ngày thứ ba nội mới lấy vào và xếp vào trong ché, đậy ché bằng tấm ni lông kĩ. Mỗi lần nấu nước, nội lấy ra vài nhánh, rửa sơ rồi bỏ vào ấm bắc lên nấu già lửa. Thứ nước chè rót ra có màu cánh gián đậm, thơm và chát. Tuấn càng không thích vị chát của thứ nước chè ấy. Những chai nước ngọt mà chú Thành cho hấp dẫn hơn thứ nước đắng chát mà nội nấu. Nội vẫn hay hỏi về những cây chè dù bao sáng, bao chiều vẫn ra đầu nóc đứng hóng sang bên kia. Tuấn trả lời qua loa rồi ôm chiếc điện thoại mới mà chú Thành vừa mua cho tuần trước.

*

Bước từng bước chắc nịch lên dốc. Nắng chiều đổ chênh chếch xuống triền núi Chúa. Lên đầu một hòn đá to, Tuấn quay lưng ngồi thở. Đưa mắt nhìn xa, thâu toàn bộ ngôi làng vào mắt mình.

Ông nội Tuấn ngồi đó, giữa nhà rông, chòm râu dài bạc trắng quá ngực, dáng người phương phi, đôi mắt hiền từ. Bàn tay nội chuốt từng sợi mây mỏng, mịn mướt. Lạt có mịn, có mềm thì cột mới chặt, nội dặn, rồi đôi bàn tay ấy tỉ mỉ luồn sợi mây, rút vòng quanh cái quai gùi. Cái gùi nào nội đan cũng chắc lắm, mang đi rừng cõng măng, cõng củi, gùi đót đến nỗi từ màu trắng chuyển sang màu xám đen mà vẫn còn cứng cáp. Cái gùi cuối cùng nội đan là cái nội đan riêng cho Tuấn. Gùi được nứt bằng sợi mây chà phun già, xanh ỏng bứt trong rừng ma. Cái thứ mây sợi nhỏ mà dẻo nhất trong họ nhà mây, có treo cả một hòn đá nặng trăm ký lên cũng không dễ gì đứt. Tuấn nhớ đến những bó mây nội ngồi vót để đem bán. Thời gian trôi như nước con sông Mùi.

Tuấn ngả chiếc gùi trên lưng xuống để lấy bình nước, anh uống một hơi rồi mang gùi quay bước. Những cây keo cao quá đầu người xanh mượt, cái thứ đất mới đầy màu mỡ nên loài keo lớn nhanh như thổi. Tuấn nhìn hai bên đường, thi thoảng có vài bụi chè bùm tum phượt ngọn lên dưới tán keo. Vạch những lùm chè ấy ra, Tuấn thấy nhói lòng cho những gốc chè to như đùi người lớn bị cắt sát đất, bị cháy còn vết than nham nhở. Ấy thế nhưng cái sức sống mãnh liệt của loại chè núi cũng giống sức sống người đồng bào Kor, dù đời ông, đời cha có không còn thì đời con vẫn vươn lên. Cái gốc còn lại của cây chè đã nứt ra nhiều những nhánh mới, sôi nổi và mạnh mẽ hơn.

Bìa rẫy keo là cây chò to, cao vút. Vỏ cây chò xam xám, dưới gốc một vài vết rựa ai đó băm vào. Ngọn chò tỏa ra nhiều nhánh. Cách cây chò độ mươi mét là một khoảnh đất bằng. Giữa khoảnh đất có một viền đá xoay tròn ôm lấy một ngôi mả nhỏ. Tuấn ngồi xuống lấy bó hương trong gùi đốt lên và cắm vào giữa mả. Anh ngồi lặng một lát rồi đứng dậy nhìn quanh.

Mới giữa rừng mà giờ mả của nội đã lộ thiên ra ba bên là đồi rẫy, vài ba năm nữa thôi thì chắc có lẽ mả nội anh nằm lọt thỏm giữa rẫy người ta cũng có khi. Mà chẳng biết lúc đó Tuấn có tìm ra được mả của nội không nữa. Bởi nếu cây chò kia bị hạ đi, thì ai biết được người ta có trồng vào giữa mả của nội anh một cây keo nào đó hay không. Người Kor mình có nghèo, có đói cũng chẳng ai nỡ phá đi những thứ ông bà để lại. Không phá nhưng giữ thì lại không giữ được. Mắt Tuấn ngoái nhìn mả nội thấy lòng rưng rưng cả trời chiều.

Trời trở gió, lòng rừng bắt đầu thâm u. Tuấn lật tay xem lại đồng hồ, hai giờ chiều. Mới đổ xế mà trời đã chuyển giông. Tuấn nghe tiếng máy cưa ầm ào phía trên đỉnh núi. Một phút đắn đo, anh men theo con đường nhỏ đi nhanh vào lòng rừng.

Qua con dốc, Tuấn đảo về lòng hố bên kia. Những tảng đá lớn chồng lên nhau thành từng bật. Xăn đá Ông dần hiện ra trước mặt. Leo lên trên tảng đá to, nhìn dọc về phía thượng nguồn, những cây gỗ to ngổn ngang lớp mới lớp cũ. Tuấn đưa máy ảnh lên chụp. Xăn Ông là xăn đá cao nhất ngọn núi Chúa với ba tầng thác. Nước từ đỉnh đổ xuống tạo thành những vũng sâu dưới mỗi tầng. Cây cối hai bên bờ đá chìa ra che rậm rạp, đứng sát chân thác nhìn lên cũng chẳng thấy được ngọn thác. Tuấn leo lên đầu xăn theo đường bờ núi. Cái bàn chân nhỏ nhẹ nhàng núp sau một chan rễ lớn của cây cổ thụ. Trời thôi gió, Tuấn nghe rõ hơn tiếng của từng người.

- Sếp yên tâm, tụi em nào dám quên ơn anh.

- Làm gì thì làm, tụi bây phải cẩn thận. Nhớ sau tám giờ tối, khi thấy tao tắt đèn ngoài cổng trạm mới được đưa xe qua.

- Dạ.

- Dạo ni ngoài hạt làm căng lắm. Tụi bây để trôi gỗ về dưới, báo chí um sùm lên.

- Cũng tại ông trời, lụt bất đắc kì tử.

- Coi chừng mặt tụi bây mà lên báo là tao không gánh dùm được đâu.

Tim đập loạn xạ, Tuấn run tay nhích nhẹ người lên đưa cái ống kính quay để lấy rõ hình hơn.

Mây đen tụ tập trên đầu, bầu trời như cái bọng nước, trời bắt đầu trút mưa. Xoẹt! Ánh chớp rạch làm Tuấn giật mình và trượt chân. Hốt hoảng, Tuấn lồm cồm bò dậy định bỏ chạy. Cái bàn chân nhỏ của con sóc làm sao nhanh hơn những con hùm của núi. Thoáng chốc, ba cái bóng áo xanh và năm gã bặm trợn đã vây lấy Tuấn. Cái máy quay ôm trong tay vẫn hoạt động.

- Đưa cái máy quay cho chú, Tuấn.

Gã áo xanh nhíu mày vừa nói vừa chìa tay ra trong mưa.

- Ông đồng lõa với bọn ni phá núi phá rừng.

- Nghe lời chú đi, đưa máy quay cho chú rồi đi về. Mai ghé trạm chú nói chuyện.

- Ông hèn quá… miệng nói bảo vệ rừng mà bãi măng cũng để người ta phá làm rẫy, vườn chè cũng để người ta chặt hết.

- Đồ mất dạy. Nhỏ mà hỗn hả mày!

Gã râu quai nón trợn mắt.

- Không phải đâu Tuấn, mấy chú làm theo chỉ thị cấp trên.

- Cấp trên nào cho phá rừng đầu nguồn? Cấp trên nào cho phá vườn chè, phá rừng ma của dân? Ông nói tui nghe.

Ánh mắt Tuấn giờ hằn lên nhưng tia máu, vừa khinh, vừa giận.

Mưa dữ dội hơn, nước từ các con khe, con suối đã ngập tràn quanh chỗ cả bọn đứng. Gã áo xanh không còn kiên nhẫn. Hắn lao tới chộp cái máy quay như con hổ vồ mồi. Hai bên giằng co và hắn… buông tay. Tuấn mất đà chân bật ngửa, lăn cuộn tròn, thân hình nhỏ thó mất hút dưới đáy sâu của xăn đá trong rậm rạm của cây cối che phủ, trong tiếng thác ầm ầm, tiếng mưa ào ạt. Sự việc quá nhanh khiến tụi kia cũng chỉ biết đứng đó bần thần. Nước từ các ngã vẫn đổ dồn dữ dội về xăn Ông. Hắn ngước mặt lên trời. Chẳng biết những dòng nước trên mặt hắn có giọt nước nào có vị mặn của nước mắt.

Cả bọn lần hồi men theo triền núi xuống vực. Đây rồi, cái máy quay vỡ vụn ống kính nằm bên bờ vũng nước sâu, không thấy người đâu. Hắn ta lần mò nhấn nút, rút lẹ cái thẻ nhớ bỏ vào túi. Nhìn lên phía trên tàng cây rậm rạp, vẫn không thấy dấu vết người, chỉ thấy một nhành cây to gãy còn mới, cả bọn nhìn nhau rồi nhìn xuống dưới tầng dưới của con thác sâu hun hút. Thác nước gầm réo như hát lên khúc bi hùng để tiễn biệt Tuấn, đứa con của rừng núi...

*

Ngày thứ bảy không tìm ra Tuấn, người ta bắt con gà trống bỏ vào trong chiếc quan tài rồi đem đi chôn. Ngôi mả được dựng ở gò đồi phía sau làng hướng sang bên kia triền núi Chúa. Lẽ ra đám ma Tuấn phải đánh thanh la, vì chiêng chỉ được dùng trong ngày vui bầu già làng, trưởng nóc hoặc ngày ma của những già làng, thế nhưng bà nội đã thuyết phục dân làng, ngày đưa ma, chiếc chiêng núm lớn được đem xuống từ nhà rông và đánh lên chín tiếng. Theo tục, nhà rông thức lửa tới ngày thứ hai mốt để hồn lung lạc có thể thấy đường mà quay về với ông bà. Má Út vẫn ngồi đó, bên bếp lửa giữa nhà rông canh lửa cho đứa cháu nội. Vẫn dáng vẻ cương nghị với đôi mắt ráo hoảnh, tóc bới cao sau đầu để lộ đôi dái tai thòng dài xuống vì tục nong khuyên, người già làng ngồi nhìn chiếc gùi méo mó treo trên tường nhà rông. Người nhà đến canh lửa thay má nhưng má vẫn không ngủ, vẫn ngồi thức như ngóng đợi điều gì.

*

Chiều rụng, một ngày đầu thu trời êm như ru. Vài cụm mây trắng lững thững trôi trên nền trời màu tím nhạt. Trạm trưởng trạm kiểm lâm Đèo Gỗ, Trần Công Thành ngồi tư lự nhìn ra xa qua bên kia triền núi Chúa. Gió nhẹ thoang thoảng mùi thơm dịu của nhành quế lan hương nở muộn. Cái thứ phong lan rừng lúc nào cũng thấy thanh tao và trang nhã. Hắn khẽ thì thầm: “Thân em như quế giữ rừng/ thơm hương ai biết ngát lừng ai hay”. Hắn lại nghĩ đến Tuấn. Lần nào thằng nhóc về cũng sang chăm sóc mấy giò lan. Hắn ngồi đó nhìn như thôi miên vào những bông hoa trắng ngà. Chợt có chuông điện thoại reo. Hắn bắt máy.

- Lo tìm đường mà đi. Thằng nhóc tố cáo chú. Có hình ảnh, cả video về chú mi. Anh không lo liệu được cho cả cái tội mưu sát lẫn tội danh cấu kết lâm tặc.

Hắn chưa kịp nói gì thì đầu máy bên kia đã tắt. Sau một phút định thần, hắn lao vào ngay trong cái kệ sách, lục lọi. Đây rồi, một gói giấy nhỏ. Lật giở từng lớp giấy, cầm lên cái thẻ nhớ, tay hắn run run. Hắn ngồi vào bàn và bật vi tính và nhấp chuột. Properties/ general/ size/ 0kb. Giờ thì cái gương mặt bình thản rơi đâu mất. Hắn dựa ngửa lưng ra ghế, hai tay buông thõng, mắt nhắm nghiền.

Chiếc gùi méo mó treo trên tường nhà rông? Một đám ma không thi hài? Chiếc thẻ nhớ không hình? ... Dường như hắn đã hiểu ra tất cả. Ngoài đầu trạm, tiếng còi xe Cảnh sát hú inh ỏi cả một vùng xứ núi vốn yên bình.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/cai-the-nho-khong-hinh-i717213/