Cải thiện chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp

Theo kết quả khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh năm 2023, điểm trung bình các chỉ số thành phần đang dần có sự đồng đều. Tuy nhiên, điểm trung bình của chỉ số 'Hỗ trợ doanh nghiệp' lại đạt thấp nhất (8,52 điểm). Thực tế này đòi hỏi các sở, ban, ngành, địa phương cần tập trung triển khai nhiều giải pháp hơn nữa để tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, luôn kịp thời hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp (DN) phát triển.

Thời gian qua, huyện Phú Bình luôn chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, lực lượng lao động, bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong ảnh: Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT. Ảnh: N.N

Thời gian qua, huyện Phú Bình luôn chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, lực lượng lao động, bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong ảnh: Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT. Ảnh: N.N

Trong 8 chỉ số thành phần đối với các sở, ban, ngành và 9 chỉ số thành phần đối với khối các địa phương, chỉ số “Hỗ trợ DN” là công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động, chương trình và chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ DN. Để cải thiện chỉ số này, những năm qua, các sở, ban, ngành của tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, như: Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ cho các DN; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời tăng cường hỗ trợ các DN tham gia chương trình khởi nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nhân lực, trợ giúp pháp lý…

Tuy vậy, kết quả của chỉ số “Hỗ trợ DN” chưa tương xứng. Qua báo cáo khảo sát của Viện Công nghệ truyền thông và Kinh tế số, Chỉ số “Hỗ trợ DN” năm 2023 không đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương. Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt điểm cao nhất (với 8,87 điểm), Sở Giáo dục và Đào tạo đạt điểm thấp nhất (8,02 điểm). Sở Xây dựng có điểm số DDCI là 85,91 điểm (đứng thứ 19/23 trong các sở, ban, ngành), giảm 3 bậc so với năm 2022; cao nhất là chỉ số "Vai trò người đứng đầu" (đạt 8,71 điểm), thì điểm số thấp nhất là “Hỗ trợ DN” (đạt 8,36 điểm).

Cục Quản lý thị trường có điểm số DDCI là 85,26 điểm (đứng thứ 21/23), giảm 4 bậc so với năm 2022; trong đó điểm đạt cao nhất là chỉ số "Tính minh bạch và tiếp cận thông tin" (8,70 điểm), thấp nhất là chỉ số “Hỗ trợ DN” (8,32 điểm). Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo đều có điểm số thấp nhất là chỉ số “Hỗ trợ DN”.

Đối với khối các huyện, thành phố, nếu như "Vai trò người đứng đầu" tiếp tục có điểm cao nhất trong các chỉ số thành phần (đạt 8,69 điểm, tăng 0,01 điểm so với năm 2022), thì “Hỗ trợ DN” là chỉ số thành phần bị giảm điểm nhiều nhất (giảm 0,03 điểm so với năm 2022). Chỉ số “Hỗ trợ DN” của TP. Thái Nguyên đạt cao nhất là 8,76 điểm và Võ Nhai đạt thấp nhất là 8,38 điểm.

Tại Hội nghị giám sát kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, ngày 23/3/2021 về việc thông qua Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 201/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 thông qua Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh mới đây, đại diện các DN đã có đánh giá tích cực việc triển khai đề án. Các DN nhỏ và vừa ngày càng phát triển, được hỗ trợ về cơ chế, chính sách; gia tăng cả về số lượng và chất lượng và thuận lợi hơn rất nhiều trong giải quyết thủ tục hành chính. Hàng trăm DN được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số.

Cộng đồng DN cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và một số vướng mắc, mặc dù được “Tổ công tác đặc biệt” của UBND tỉnh tiếp nhận nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các cuộc thanh, kiểm tra khiến cán bộ, công chức có tâm lý “né tránh”, “sợ sai” trong thi hành công vụ...

Công chức Chi cục Hải quan Thái Nguyên nắm bắt tình hình xuất khẩu hàng hóa của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Công chức Chi cục Hải quan Thái Nguyên nắm bắt tình hình xuất khẩu hàng hóa của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, đề nghị: Trong thời gian tới, Hiệp hội DN tỉnh hy vọng không chỉ thực hiện mục tiêu của các đề án, hệ thống chính trị tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy định về đầu tư kinh doanh đảm bảo sự đồng bộ, minh bạch, đơn giản và hiệu quả; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thực chất và rút ngắn thời gian. Đề nghị UBND tỉnh thu hẹp phạm vi các dự án xin ý kiến của Tỉnh ủy; nhằm xây dựng môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn, an toàn cho nhà đầu tư.

Để cải thiện chỉ số “Hỗ trợ DN”, theo ông Phan Hữu Minh, Viện trưởng Công nghệ truyền thông và Kinh tế số: Thời gian tới, tỉnh cần tăng cường tuyên truyền về chỉ số DDCI, gắn với việc thực hiện cải thiện chỉ số PCI và các chỉ số các tính tương hỗ khác như: PAR INDEX, PAPI, SIPAS... tạo thành hệ thống đánh giá, giám sát năng lực thực thi của chính quyền, từ từng cán bộ công chức cấp cơ sở đến tỉnh; đặc biệt chú trọng những công việc đồng hành, hỗ trợ DN cụ thể, thiết thực. Ngoài tổ chức các hội nghị đối thoại thì cần thiết lập thêm các kênh điện thoại, email, gửi thư, hòm thư... xây dựng cơ chế bảo mật thông tin của người cung cấp thông tin để DN có thể tin tưởng, thoải mái giãi bày những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc.

Ngoài những ý kiến nêu trên, nhiều DN cũng cho rằng các sở, ban, ngành, địa phương cần đánh giá từng tiêu chí thành phần, tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục. Trong đó tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong xử lý kiến nghị của DN, nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công khai, minh bạch, nhất là các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Tăng cường thanh kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư. Kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn vướng mắc của DN liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Các tổ công tác hỗ trợ DN của tỉnh phải báo cáo hàng tháng tiến độ giải quyết các vấn đề theo đề xuất, kiến nghị từ cộng đồng DN...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202407/cai-thien-chi-so-ho-tro-doanh-nghiep-a3a2357/