Cải thiện giáo dục trẻ em gái tại châu Phi
Ngày càng nhiều nữ sinh châu Phi cận Sahara hoàn thành chương trình trung học do các quốc gia thay đổi chính sách và đầu tư tốt hơn cho giáo dục.
Tuy nhiên, một số trẻ em gái, nằm trong nhóm thiệt thòi nhất, vẫn bỏ lỡ cơ hội được học tập.
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Phi, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, tỷ lệ trẻ em gái hoàn thành chương trình trung học đã tăng ở mọi khu vực tại châu Phi kể từ năm 2005.
Còn theo báo cáo Triển vọng kinh tế châu Phi thường niên được công bố vào tháng 7/2024, số lượng trẻ em gái hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông ở Đông Phi và Trung Phi vào năm 2014 đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2005.
Chi tiêu của nhà nước cho lĩnh vực giáo dục ở khu vực châu Phi cận Sahara từ năm 2010 đến năm 2014 đạt 16%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 14
Theo các chuyên gia tại tổ chức Plan International, thái độ đối với giáo dục dành cho trẻ em gái đang thay đổi trên khắp châu Phi. Lý do là ngày càng nhiều phụ huynh nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ em gái. Đây không chỉ là cơ hội cải thiện tương lai của các em mà còn giúp các gia đình phát triển kinh tế.
Các nước đã thay đổi chính sách khuyến khích trẻ em gái đến trường và vận động học sinh ra lớp. Để duy trì sĩ số, họ cũng tăng cường đầu tư ngân sách cho các trường học, tạo dựng quỹ phúc lợi, học bổng dành cho trẻ em gái.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết các quốc gia cần tăng cường hơn nữa biện pháp để hỗ trợ những trẻ em gái khó khăn nhất. Đó là những em đã kết hôn hoặc buộc phải nghỉ học đi làm thêm phụ giúp gia đình.
Ông Paola Babos, chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cho biết: “Nhiều trẻ em gái thiệt thòi nhất đến từ những hộ gia đình nghèo nhất nên các em không được học lên trung học hoặc thậm chí, chưa từng đặt chân đến trường”.
Ông Vernor Munoz, chuyên gia giáo dục tại tổ chức Plan International, cho biết các vấn đề như tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên đang đe dọa tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tính trong giáo dục tại khu vực châu Phi cận Sahara.
“Giáo dục không chỉ bồi dưỡng kiến thức mà còn cần phục vụ xã hội như giải quyết những định kiến, khuôn mẫu và hủ tục cản trở trẻ em gái đến trường”, ông Vernor nói.
Nếu nhóm này cũng được hỗ trợ học tập, thế giới có thể đạt được mục tiêu toàn cầu của Liên Hợp Quốc là đảm bảo tất cả trẻ em đều được học phổ thông vào năm 2030.
Việc phổ cập giáo dục phổ thông nằm trong Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đây là kế hoạch toàn cầu nhằm chấm dứt đói nghèo, thúc đẩy bình đẳng và bảo vệ môi trường trên toàn cầu. Khó khăn để thực hiện mục tiêu giáo dục trong kế hoạch trên chủ yếu nằm ở các quốc gia khó khăn, các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.
Theo Reuters
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cai-thien-giao-duc-tre-em-gai-tai-chau-phi-post696875.html