Cảm động những người thợ sửa thiết bị điện miễn phí cho dân vùng lũ

Khi dòng nước dữ rút đi, để lại sau lưng những ngôi nhà ngổn ngang, những thiết bị điện gia dụng nằm chỏng chơ trong bùn đất, thì cũng là lúc những người thợ điện Nghệ An lặng lẽ lên đường. Họ mang theo không chỉ đồ nghề, linh kiện, mà còn mang theo cả tấm lòng hướng về đồng bào vùng lũ - nơi cần họ nhất.

 Các thiết bị điện tử của người dân bị mưa lũ làm hư hỏng đang được thợ mở ra kiểm tra, tìm cách sửa chữa.

Các thiết bị điện tử của người dân bị mưa lũ làm hư hỏng đang được thợ mở ra kiểm tra, tìm cách sửa chữa.

Bà con cần là mình đi

Ngay khi đường sá thông trở lại, Chi hội Điện tử - Điện lạnh Nghệ An đã gấp rút triển khai những điểm sửa chữa miễn phí tại các xã bị ảnh hưởng nặng nề như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn… Hơn 100 kỹ thuật viên từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tự nguyện gác lại công việc riêng, chất đầy xe tải, xe con bằng những dụng cụ sửa chữa, linh kiện thay thế, rồi thẳng tiến miền Tây xứ Nghệ.

"Chúng tôi chỉ mong góp phần nhỏ bé để bà con sớm ổn định lại cuộc sống. Mưa lũ đã cướp đi quá nhiều, giờ chỉ cần giúp họ có lại một chiếc quạt, một nồi cơm điện, một bữa ăn nóng – thế là đủ ấm lòng", anh Nguyễn Trọng Anh- Chủ tịch Chi hội, người đứng đầu đoàn công tác – chia sẻ.

Ngay sau khi đường thông, các tình nguyện viên đã lên đường hỗ trợ bà con vùng lũ

Ngay sau khi đường thông, các tình nguyện viên đã lên đường hỗ trợ bà con vùng lũ

Các thiết bị lấm lem bùn đất nên việc sửa chữa mất nhiều thời gian, công sức

Các thiết bị lấm lem bùn đất nên việc sửa chữa mất nhiều thời gian, công sức

Những dòng thông báo giản dị "Thiết bị điện gia dụng bị ngập nước, xin mang tới để chúng tôi giúp đỡ" được đăng tải khắp mạng xã hội đã nhanh chóng lan tỏa, như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm từng mái nhà đang chật vật giữa gian nan.

Tại các điểm sửa chữa như Trung tâm GDTX Con Cuông, Trường Tiểu học Tam Quang 1, UBND xã Thạch Giám hay Trường Tiểu học Cửa Rào…, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm thiết bị – từ nồi cơm điện, quạt máy, tủ lạnh, ti vi đến máy giặt - tất cả đều đã bị nước ngấm, bùn bám đặc quánh trong từng linh kiện.

Những người thợ bắt đầu từ 7 giờ sáng, ăn trưa vội vàng rồi lại cúi mình miệt mài đến tận đêm khuya. Không bàn làm việc, không giường nằm, họ ăn ngủ tạm bợ ngay tại điểm sửa chữa, tranh thủ từng giờ để phục hồi lại những thiết bị vốn là "hơi ấm" của mỗi gia đình.

"Không phải cứ lau sạch là dùng được. Phần lớn thiết bị bị chập cháy, phải tháo tung, vệ sinh từng con ốc, từng bản mạch, thay thế linh kiện mới. Nặng nhọc nhưng xứng đáng, vì đằng sau mỗi thiết bị ấy là một mái ấm, là cuộc sống đang được khôi phục", anh Trọng Anh nói thêm.

Các thiết bị điện thiết yếu trong gia đình hầu hết hư hỏng nặng được bà con tập kết tại các điểm sửa chữa dã chiến

Các thiết bị điện thiết yếu trong gia đình hầu hết hư hỏng nặng được bà con tập kết tại các điểm sửa chữa dã chiến

Anh em kỹ thuật viên trong đội tình nguyện phải làm việc cật lực để kịp đáp ứng nhu cầu của bà con vùng lũ.

Anh em kỹ thuật viên trong đội tình nguyện phải làm việc cật lực để kịp đáp ứng nhu cầu của bà con vùng lũ.

Điều đáng quý hơn cả là toàn bộ chi phí linh kiện thay thế, gần 30 triệu đồng, cũng được các cơ sở kinh doanh vật tư trong tỉnh đóng góp. Bà con đến sửa, không phải lo tốn kém thêm một đồng nào – trong lúc cuộc sống vốn đã chất chồng khó khăn.

Bà Lô Thị Thỏa (xã Con Cuông) cùng con trai lặng lẽ xách chiếc nồi cơm điện, cây quạt và tủ lạnh đã ngập nước đến điểm sửa. Bà xúc động nghẹn lời: "Tài sản nhà tôi gần như hỏng hết. Nhờ có các anh giúp sửa lại, tôi mới có thể nấu cơm, có cái quạt cho cháu ngủ. Không gì quý bằng cái tình trong lúc hoạn nạn".

Hình ảnh người dân lấm lem, ôm thiết bị như ôm hy vọng trở lại, đã tiếp thêm sức mạnh cho những người thợ áo xanh, giúp họ vượt qua mệt mỏi, tiếp tục công việc âm thầm mà đầy ý nghĩa.

Gieo mầm bình yên từ những điều tử tế

Không dừng lại ở việc sửa chữa, các kỹ thuật viên còn tranh thủ hướng dẫn bà con cách sử dụng thiết bị điện an toàn khi mùa mưa lũ đang còn tiếp diễn. Từ việc nhắc nhở rút điện trước khi nước vào nhà, kê cao thiết bị, cho tới cảnh báo không cắm điện lại ngay sau lũ – tất cả đều nhằm giữ cho những sự cố không đáng có không lặp lại.

Chị Nguyễn Thị Hòa, trú tại xã Tương Dương, vui mừng khi nhận lại hai chiếc nồi cơm điện sau khi được nhóm thiện nguyện sửa chữa xong.

Chị Nguyễn Thị Hòa, trú tại xã Tương Dương, vui mừng khi nhận lại hai chiếc nồi cơm điện sau khi được nhóm thiện nguyện sửa chữa xong.

"Mỗi lần bà con hiểu và làm theo, là thêm một tai nạn được ngăn chặn. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất sau những ngày bùn đất và nước mắt", anh Thái Doãn Toàn, một kỹ thuật viên đến từ Đô Lương cũ, chia sẻ.

Có lẽ, trong những ngày vùng cao còn chưa kịp khô đất, điều quý giá nhất không chỉ là một chiếc quạt quay trở lại hay một nồi cơm bốc khói, mà chính là tấm lòng của những người thợ. Họ đã mang đến cho vùng lũ không chỉ là kỹ năng, sự tận tâm, mà còn là một ngọn lửa ấm - thứ giữ cho bà con không gục ngã trong những ngày sau bão.

Đình Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cam-dong-nhung-nguoi-tho-sua-thiet-bi-dien-mien-phi-cho-dan-vung-lu-20250728095942423.htm