Cảm hứng lịch sử trong văn học mạng. Bài 2: Giới hạn nào cho người viết?
Ranh giới giữa sự sáng tạo và trách nhiệm đối với chính sử rất mong manh, vậy đâu là giới hạn mà tác giả trẻ sáng tác từ cảm hứng lịch sử, cần tuân thủ?
Chưa khi nào là dễ
Nhiều cuộc thảo luận sôi nổi của các độc giả và tác giả trẻ diễn ra trên mạng xã hội, với ý kiến khác nhau về những tác phẩm văn học được sáng tác từ cảm hứng lịch sử.
Có ý kiến cho rằng, một số tác phẩm đang có sự phóng tác quá đà, thiên lệch nhiều so với chính sử. Điều đó khiến độc giả có xu hướng tin theo góc nhìn đó, có những đánh giá sai về lịch sử.
Nói về quan điểm trên, một độc giả có tài khoản tên Mai bình luận: “Nhiều tài liệu lịch sử nước mình trước kia đã thất lạc dẫn tới không ít sự kiện không còn hoàn chỉnh. Nếu dựa vào đó để viết thì cần nghiên cứu để tránh thêm thắt, hư cấu quá nhiều tình tiết, đẩy câu chuyện đi xa.
Tiểu thuyết giúp các bạn trẻ hứng thú hơn đối với lịch sử bởi học trên lớp rất tóm lược và không sinh động. Nhưng nhiều người đọc thiếu kiến thức nền rất dễ hiểu nhầm rằng các sự kiện đưa vào đều chính xác và đi lan truyền như một điều hiển nhiên”.
Tác giả Mật Tiễn cũng bày tỏ sự đồng tình về một trong những khó khăn chính là tư liệu lịch sử Việt Nam từ các cuốn chính sử đến cổ vật, di tích bị hủy hoại, thất lạc rất nhiều sau chiến tranh. Nếu có viết cũng chỉ có thể cố gắng tổng hợp lại để khắc phục phần nào trong cốt truyện.
“Khi sáng tác, các cây bút trẻ mới vào nghề có thể mắc một số lỗi kỹ thuật vì chưa có kinh nghiệm. Nhưng trên cơ bản, việc khai thác yếu tố lịch sử vào trong văn học là một tín hiệu tốt đối với thế hệ trẻ. Từ những câu chuyện văn học, người trẻ sẽ có thêm động lực tìm về chính sử để thêm yêu và tự hào về lịch sử dân tộc” - Nhà sưu tầm, nghiên cứu lịch sử Tuấn Kiệt.
Điều đó cần được thể hiện cụ thể qua các chú thích, trích dẫn vào truyện. Khi viết, tác giả này lựa chọn lược bỏ một số chi tiết mang màu sắc cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo… để giảm thiểu rủi ro không đáng có cho tác phẩm cũng như vừa sức viết hơn.
“Tôi lo lắng bản thân kiến thức còn hạn chế, nếu không tra cứu, sử dụng tư liệu, thông tin cẩn thận và tỉnh táo trong việc cân bằng giữa chi tiết có thật trong lịch sử và chi tiết hư cấu thì không chỉ dẫn đến bạn đọc có trải nghiệm không tốt, mà còn rất dễ gây nên những hiểu lầm, làm sai lệch về hình ảnh các bậc tiền nhân, kiến thức lịch sử, văn hóa”, tác Việt Chi cũng chia sẻ về trải nghiệm, khó khăn.
Tác giả Thanh Minh nhấn mạnh việc xử lý nhân vật và sự kiện có thật là đặc biệt quan trọng. Từng có tiền lệ tác giả viết về nhân vật lịch sử nhưng lại theo chiều hướng lãng mạn hóa lên nhiều lần, vô tình phủ nhận một số điều vốn dĩ là thực tế tất yếu. Việc thiên vị quá mức hoặc biến đổi quá nhiều có thể làm mất đi tính đáng tin cậy của tác phẩm, cũng như gây ra hiểu lầm về lịch sử.
“Đối với những nhân vật, sự kiện có thật tôi cảm thấy người viết nên chú trọng việc xây dựng, tái hiện lại hình tượng nhân vật. Viết cảm tính theo sở thích cá nhân có thể dẫn đến hình ảnh nhân vật bị làm quá lên, hoặc biến nhân vật từ tốt thành xấu và ngược lại. Vậy nên, sáng tạo tác phẩm cần được cân bằng hài hòa giữa việc tôn trọng tính chân thực và trí tưởng tượng”, tác giả Thanh Minh bày tỏ.
“Bảy phần thực, ba phần hư”
Nhà sưu tầm và nghiên cứu lịch sử Tuấn Kiệt cho rằng, nên phân biệt rõ giữa chính sử, truyện dã sử và tiểu thuyết hư cấu lấy cảm hứng từ lịch sử. Đặc biệt, tiểu thuyết hư cấu nên được cân nhắc viết trong một số tiêu chuẩn và giới hạn cho phép.
“Nguyên tắc khi kết hợp giữa văn học và lịch sử là dựa trên cái có thật, sáng tạo thêm các yếu tố khác nhưng phải đảm bảo được tính xác thực và ý nghĩa lịch sử của sự kiện đó.
Thông thường, truyện dã sử thời trước luôn có 70% yếu tố thực và 30% yếu tố hư cấu, mang tính “thuần sử” nhiều hơn. Nếu yếu tố hư cấu vượt quá phần trăm cho phép thì cuốn tiểu thuyết ấy đơn thuần chỉ là lấy ý tưởng, cảm hứng từ lịch sử, mang màu sắc văn học và hiện đại là chủ yếu”, ông Kiệt nhận định.
Cũng theo ông Kiệt, việc viết tiểu thuyết này thành công hay dễ gây tranh cãi phụ thuộc vào cách tác giả định hướng nội dung truyện. Nếu tận dụng tốt những khoảng trống của lịch sử để sáng tạo, liên kết các sự kiện thì sẽ phát huy được tiềm năng của tác phẩm mà không đi lệch với những giá trị chân thực của sử liệu chính thống.
Ngược lại, có những sáng tạo khác với sử sách viết thì cần được xem xét, tránh phóng tác đi quá giới hạn. Quan trọng hơn, các tác giả cũng cần xác định rõ đâu là lịch sử, đâu là tiểu thuyết để không đưa ra những kết luận mang tính định hướng độc giả trong tác phẩm của mình.
Tác giả Đồng Lạc thì chia sẻ: “Ngày nay, khi tài liệu và các công trình nghiên cứu về lịch sử đã dễ dàng tiếp cận hơn, việc thiếu thông tin không phải là vấn đề lớn nhất. Quan trọng là thông tin được phân tích, tổng hợp và truyền đạt thế nào, tình tiết hư cấu được đan cài hợp lý hay không và có để lại trong lòng độc giả sự chiêm nghiệm nào đặc sắc không. Nếu hai yếu tố đầu có thể chinh phục nhờ vào việc đọc, tham khảo, thì yếu tố cuối cùng lại cần nhiều trải nghiệm mang tính cá nhân, cũng là điều các tác giả trẻ khó mà có được”.
Tác giả này cũng cho rằng, việc tiếp nhận tác phẩm phụ thuộc rất lớn vào người đọc. Cùng một tình tiết, có độc giả nhận ra đó là hư cấu và tách nó khỏi nhận định của họ về lịch sử hay đánh giá tình tiết ấy là một diễn giải hợp lý.
Cũng có độc giả không quan tâm đến các yếu tố đó nhưng lại mang sẵn tâm lý “truyện là hư cấu” và tách nội dung truyện ra khỏi nhận định của họ về lịch sử. Có trường hợp biết truyện có hư cấu nhưng lại nhầm lẫn thành cái thực, thậm chí có người nghĩ nếu sử không ghi thì làm sao tác giả dám viết ra như thế, đánh đồng nội dung truyện và lịch sử.
Vậy nên, song song với trách nhiệm của tác giả, độc giả cũng phải có trách nhiệm đối với việc đọc của mình. Nếu không đủ tâm huyết để tự mình tra cứu, ít ra phải biết thể loại văn bản mình đang đọc là gì.
Cần đặt cảnh báo
Khi được hỏi về những ý kiến đóng góp dành cho dòng tiểu thuyết này, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa sự sáng tạo và trung thực lịch sử, đồng thời tôn trọng sự hiểu biết và trải nghiệm của độc giả.
Cùng với đó là việc đặt cảnh báo: “Các tác giả nên đặt những dòng cảnh báo, lưu ý trên đầu chương truyện khi đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội hoặc ở trang đầu nếu xuất bản sách. Điều này giúp độc giả khi tiếp cận tác phẩm sẽ hiểu rõ hơn về câu chuyện mình sắp đọc, không đánh đồng hư cấu với chính sử”, độc giả Mai bình luận.
Nhà sưu tầm Tuấn Kiệt cũng góp ý: “Đánh dấu và chú thích đầy đủ các chi tiết, tình tiết được tham khảo, thay đổi trong truyện là một hướng đi an toàn dành cho tác giả. Mặt khác, nó cũng là cơ hội để người đọc biết thêm về những kiến thức đã được họ tâm huyết đưa vào truyện cụ thể như thế nào”.
Phạm Cẩn, một độc giả lâu năm của dòng tiểu thuyết này lại cho rằng số lượng được xuất bản còn khá ít, nhiều tác phẩm trên mạng chưa thực sự được đầu tư về chất lượng nên dù đã rất cố gắng nhưng khả năng thu hút và độ phổ biến chưa cao.
Bài cuối: Một sự tiếp nối cần khích lệ