Cấm xe xăng vào trung tâm: Các thành phố lớn trên thế giới đã làm thế nào?
Lần đầu tiên, thủ đô Hà Nội xác lập mốc thời gian cụ thể để 'chia tay' với xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực trung tâm thành phố. Đây là một bước ngoặt lớn trong chính sách môi trường đô thị, đồng thời là phép thử thực sự cho khả năng chuyển đổi công bằng và hiệu quả sang hệ thống giao thông xanh.
Hà Nội không phải là thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng các biện pháp hạn chế phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Nhiều đô thị lớn trên thế giới như London, Paris, Oslo, Thâm Quyến… đã tiên phong với các mô hình khác nhau, từ cấm trực tiếp đến đánh thuế khí thải, kiểm soát qua vùng phát thải thấp (LEZ/ULEZ) hoặc hỗ trợ mạnh chuyển đổi sang xe điện.
London (Anh): Không cấm trực tiếp nhưng buộc phải thay đổi

Ảnh minh họa: Minh Hợp/TTXVN
Từ năm 2019, thủ đô London của Anh đã triển khai hệ thống vùng phát thải cực thấp (ULEZ) nhằm đánh thuế cao đối với những phương tiện gây ô nhiễm, thay vì ban hành lệnh cấm.
Các phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải – như xe xăng sản xuất trước năm 2006 hoặc xe diesel trước năm 2015 – khi vào trung tâm thành phố phải nộp phí 12,5 bảng Anh (GBP)/ngày (khoảng 16,82 USD/ngày). Nếu không trả, các chủ phương tiện sẽ bị phạt nặng.
Sau 5 năm thực thi, nồng độ NO2 – khí gây ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe – đã giảm 54% ở khu vực trung tâm của London. Hơn 85% số xe hoạt động ở nội đô đã được thay thế bằng xe đạt chuẩn khí thải hoặc xe điện.
Paris (Pháp): Cấm song hành với xây dựng hệ sinh thái xanh
Paris là một trong những thành phố quyết liệt nhất châu Âu. Từ năm 2020, các xe chạy bằng dầu diesel đời cũ đã bị cấm vào trung tâm thành phố. Giới chức lãnh đạo của Paris đã đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm hoàn toàn.
Tuy nhiên, điều khiến thành phố này thành công không chỉ nằm ở các lệnh cấm, mà ở việc đầu tư mạnh vào hạ tầng thay thế: mở rộng không gian đi bộ, phát triển hệ thống xe đạp công cộng, xe buýt điện. Kết quả là, năm 2024, nồng độ NO2 ở trung tâm của Paris đã chạm mức thấp nhất trong 25 năm. Bụi mịn PM10 cũng giảm mạnh.
Oslo (Na Uy): Không cấm nhưng “làm xe điện trở nên không thể cưỡng lại”
Na Uy, quốc gia Bắc Âu nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU), không đặt lệnh cấm cứng đối với các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Thay vào đó, chính phủ nước này “biến” xe điện thành lựa chọn hấp dẫn đến mức không thể bỏ qua. Na Uy đã ban hành chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với xe điện, không áp thuế giá trị gia tăng (VAT), miễn phí đỗ xe, cho phép xe điện đi vào làn buýt, giảm 75% phí đường cao tốc...
Nhờ loạt ưu đãi toàn diện này, hơn 80% xe mới bán ra tại thủ đô Oslo vào năm 2023 là xe điện. Khu vực trung tâm thành phố đang dần chuyển thành không gian đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng.
Trung Quốc: Cấm xe xăng, bắt đầu từ các đô thị lớn

Thành phố Bắc Kinh yêu cầu, các bãi đỗ xe có trạm sạc điện phải được bố trí trên mặt đất, không được bố trí ở tầng hầm thứ tư trở xuống. Ảnh: Công Tuyên/TTXVN
Tại Trung Quốc, lộ trình cấm xe máy chạy bằng xăng hoặc dầu được thực hiện từ rất sớm. Thâm Quyến là thành phố tiên phong, cấm xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2003, bắt đầu với một vài tuyến đường rồi mở rộng ra toàn bộ nội đô.
Bắc Kinh, Thượng Hải cũng có các chính sách mạnh tay, như dừng cấp biển số mới hoặc tăng lệ phí đăng ký rất cao. Chiến lược của Trung Quốc là hạn chế dần, kết hợp với xử phạt nghiêm – kể cả tịch thu xe nếu cố tình vi phạm.
Kết quả là tai nạn giao thông ở Thâm Quyến giảm gần 30% chỉ sau vài năm và mô hình này đã được hơn 200 thành phố áp dụng tính đến năm 2020.
Quan trọng hơn, Trung Quốc không “cấm đơn độc”, mà đồng thời đầu tư mạnh cho việc phát triển các tuyến metro, xe buýt giá rẻ, xe đạp công cộng và khuyến khích xe điện hai bánh. Nhờ đó, người dân vẫn có phương án di chuyển linh hoạt khi xe máy chạy bằng xăng bị loại bỏ.
Hiệu quả môi trường – bài học và thách thức
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc cấm xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang xe điện có thể giúp giảm mạnh lượng khí thải CO2, góp phần đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, hiệu quả toàn diện chỉ có thể đạt được sau một quãng thời gian dài, có thể lên đến 20–25 năm, khi phần lớn xe cũ được thay thế và các yếu tố đi kèm như hạ tầng sạc, nguồn điện xanh, chuỗi cung ứng pin được hoàn thiện.
Từ kinh nghiệm quốc tế, có thể rút ra một số nguyên tắc nền tảng cho việc cấm phương tiện chạy nhiên liệu hóa thạch, như lộ trình rõ ràng, công khai và đủ thời gian chuyển tiếp. Người dân và doanh nghiệp cần thời gian để thích ứng, chuẩn bị tài chính và tìm lựa chọn thay thế. Ví dụ, Paris, Sofia của Bulgaria (Bun-ga-ri) đều sử dụng lộ trình 7–10 năm để đảm bảo “cấm mà không sốc”.
Hầu hết các quốc gia thành công đều đồng thời triển khai gói hỗ trợ tài chính, như ưu đãi thuế, phát triển hạ tầng sạc, tăng chất lượng giao thông công cộng để thúc đẩy quá trình đổi sang xe xanh. Na Uy là hình mẫu về hỗ trợ toàn diện, trong khi Anh đi theo hướng kiểm soát bằng phí và kiểm định khí thải.
Tại châu Âu, các chiến dịch truyền thông đã định hình lại hình ảnh xe xăng: “ồn ào, ô nhiễm, lỗi thời”, đồng thời khuyến khích coi giao thông xanh là biểu tượng của văn minh đô thị. Sự ủng hộ của người dân là yếu tố sống còn để tránh phản ứng tiêu cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích sẽ thu được, cần phải lưu ý tới những thách thức, như đảm bảo hạ tầng trạm sạc đồng bộ, đáp ứng nhu cầu; cung ứng xe điện với giá hợp lý; hỗ trợ chuyển đổi cho người thu nhập thấp, lao động vận tải nhỏ lẻ. Ngoài ra, còn phải kể đến tác động ban đầu lên thị trường xe cũ và ngành sửa chữa cơ giới truyền thống.
Hà Nội đang theo sát lộ trình đã được các thành phố lớn trên thế giới áp dụng, nhắm đến mục tiêu giảm mạnh ô nhiễm không khí và thúc đẩy vận tải xanh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy: Muốn thành công cần có lộ trình rõ ràng, kết hợp giữa lệnh cấm, kiểm soát kỹ khí thải, đồng thời tăng hỗ trợ cho việc chuyển đổi phương tiện, mở rộng hạ tầng sạc và cải thiện vận tải công cộng.