Cân bằng mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát
Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác.
Nền kinh tế có nhiều điểm tích cực trong năm 2024
Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng tình hình phát triển kinh tế năm 2024 có 5 điểm tích cực khi nền kinh tế đất nước duy trì được đà tăng trưởng năm 2023 tiếp nối sang những tháng đầu năm 2024; tín hiệu tốt hơn về xuất nhập khẩu đã tương đương với giai đoạn trước dịch Covid-19; đơn hàng của các doanh nghiệp bắt đầu gia tăng; giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm khá tốt; nợ công giảm thấp so với năm 2023. “Từ những điểm tích cực này, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2024”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng năm 2024 sẽ nhiều khó khăn hơn 2023 trong bối cảnh tăng trưởng sản xuất trong nước suy giảm khi doanh nghiệp tham gia thị trường thấp hơn so với những năm trước đây; nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp hơn so với năm 2023 trong khi thị trường trong nước rất quan trọng. Áp lực lạm phát năm 2024 không hề nhẹ khi những tháng đầu năm gần đạt mốc 4% Quốc hội cho phép, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, giá vàng tăng cao…
Từ đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất cần nhấn mạnh đến các giải pháp kích cầu trong nước, có các chính sách tài khóa mạnh hơn thời gian qua. “Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đang xem xét dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), tuy nhiên tôi cho rằng thời điểm này không nên nghĩ đến chuyện tăng thuế giá trị gia tăng”, đại biểu nói.
Đại biểu cũng cho rằng cần khơi thông các rào cản về thể chế để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, tạo dư địa mở rộng sản xuất; từ đó Quốc hội cần trao quyền cho các cơ quan quản lý vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật.
Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu thêm một số nội dung. Trong đó, cần đánh giá cụ thể về các động lực của tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của tư nhân trong nước trong năm vừa qua để làm rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tiếp tục quan tâm đến công tác quản lý nhà nước với thị trường vàng, tỷ giá USD… hiện đang là vấn đề nóng, có xu hướng tăng và dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới. Điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.
“Do vậy, đề nghị Chính phủ, các ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng, tránh tình trạng vàng miếng trong nước chênh lệch quá cao so với thị trường thế giới; có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát…” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng nước ta là quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ, độ mở cao. Bên cạnh những mặt tích cực, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, nền kinh tế dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài; xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu.
Cần quản lý hiệu quả thị trường vàng, nhà ở xã hội
Về những vấn đề cụ thể, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng giá vé máy bay tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giảm nhu cầu đi lại, khách du lịch, việc làm trong ngành du lịch. Việc tìm nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến cho giá vé tăng cao như chưa có sự chia sẻ, hợp tác giữa ngành hàng không và các lĩnh vực khác…. “Đường bay tương đương tại Thái Lan rẻ hơn Việt Nam rất nhiều”, đại biểu nói và cho rằng cần có gói hỗ trợ cho hàng không (phí dịch vụ sân bay, đầu tư các trung tâm bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam…) và du lịch để giảm giá vé máy bay.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, mặc dù đã quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng người dân gặp khó khăn khi lãi suất ngân hàng cao. Do đó, đại biểu đề nghị cần phát hành trái phiếu để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì sẽ hạ được lãi suất cho vay, người dân có thể tiếp cận được hình thức nhà ở này.
Đối với vấn đề giá vàng, theo đại biểu Phạm Đức Ấn: Cần rất thận trọng trong công tác quản lý thị trường vàng. Nếu chạy theo giá vàng quốc tế thì doanh nghiệp “mất nhiều hơn được”, rất dễ quay lại thời kỳ “vàng hóa” nền kinh tế. Đại biểu cho rằng quản lý chặt chẽ là cần thiết, tránh chênh lệch cao giữa giá vàng và giá các mặt hàng khác.
Cùng quan tâm đến vấn đề trên, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, một số biến động bất thường của thị trường, như thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định, cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
Thảo luận về quản lý thị trường vàng, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng; mặc dù Ngân hàng Nhà nước có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa có phản ứng chính sách phù hợp. Do vậy, thị trường vàng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, biến động lớn, chênh lệch khá cao so với giá vàng thế giới…
Vì vậy, đại biểu tiếp tục đề nghị Chính phủ cân nhắc có giải pháp kiểm soát, ổn định thị trường vàng, bãi bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng SJC; thiết lập cơ chế giao dịch vàng tập trung và sớm sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đại biểu Vũ Hải Quân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng hiện nay giải ngân vốn đầu tư công cho các đơn vị sự nghiệp công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị giáo dục. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến học phí của sinh viên và người học càng ngày càng tăng. “Các trường đại học chỉ dựa vào thu học phí mà không có đầu tư thì không phát triển bền vững”, đại biểu Vũ Hải Quân nhìn nhận và kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ khối ngành giáo dục trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là đầu tư công.