Cán bộ 'không tâm tư khi sắp xếp, tinh gọn'
Trong quá trình sắp xếp, nhiều cán bộ cấp trưởng phải làm cấp phó song tất cả đều xác định tinh thần hy sinh và tự nguyện. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải thực hiện vận động.
Sáng 19/2, tại họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, bà Tạ Thị Yên (Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội) nhận được câu hỏi về tâm tư của cán bộ trong quá trình sắp xếp bộ máy vừa được thực hiện tại kỳ họp.
"Không phải vận động"
Theo bà Yên, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư về cách mạng tinh gọn bộ máy, các đồng chí trong diện sắp xếp đều xác định tinh thần hy sinh và tự nguyện.
"Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải vận động cán bộ", bà Yên nói.

Bà Tạ Thị Yên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội: "Các đồng chí trong diện sắp xếp đều xác định tinh thần hy sinh và tự nguyện". Ảnh: Việt Linh.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và các nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Theo đó, số cơ quan của Quốc hội giảm 4 ủy ban, Chính phủ giảm 5 bộ, ngành so với đầu nhiệm kỳ, tương ứng với việc giảm số lãnh đạo cấp trưởng của các bộ, ngành, ủy ban. Một số vị trí lãnh đạo cấp trưởng ở ủy ban của Quốc hội trở thành cấp phó của ủy ban mới.
Cũng theo bà Yên, Chính phủ đã ra Nghị định 178 hướng dẫn chung về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Nghị định hướng dẫn nhiều phương án sắp xếp, chuyển công tác chứ không chỉ quy định việc tinh giản cán bộ dôi dư.
Vì sao không có tên EVN, PVN trong nghị quyết
Trả lời câu hỏi về việc tại sao Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận lược bỏ tên của EVN và PVN so với dự thảo, ông Nguyễn Phương Tuấn (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) giải thích: "Theo nguyên tắc, nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về các cơ chế, chính sách đặc thù, không nêu cụ thể tên doanh nghiệp".
"Việc ban hành Nghị quyết là cơ sở để Thủ tướng giao theo thẩm quyền của Thủ tướng chứ Quốc hội không đưa vào Nghị quyết", đại diện Ủy ban cho biết.

Ông Nguyễn Phương Tuấn giải thích lý do không có tên EVN, PVN trong Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Việt Linh.
Cũng theo đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, chính sách quan trọng nhất để thực hiện chủ trương xây dựng nhà máy diện hạt nhân là tái định cư cho người dân nằm trong vùng được quy hoạch xây nhà máy điện hạt nhân. Nếu không ổn định được chỗ ở cho người dân thì khi xây dựng, khó tránh khỏi tình trạng khiếu kiện, tạo bất ổn.
Các nội dung này trước đó cũng đã được bàn thảo trong quá trình trao đổi, góp ý vào dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp bất thường. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, song đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ và bổ sung giải pháp để bảo đảm mục tiêu đưa nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành năm 2030.
Theo Ủy ban này, cần bỏ quy định nêu đích danh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư vì Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về các cơ chế, chính sách đặc thù. Hơn nữa, chủ trương đầu tư dự án còn chưa được điều chỉnh. Nghị quyết là cơ sở để Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện các dự án, do vậy, chưa nên quy định tên gọi chủ đầu tư cụ thể.

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo. Ảnh: Việt Linh.
Dấu mốc quan trọng
Sau 6,5 ngày làm việc (từ 12 đến sáng 19/02), Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình với việc xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết và tiến hành công tác nhân sự để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Tại kỳ họp, công tác nhân sự được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Media Quốc hội.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều vấn đề cụ thể của thực tiễn rất khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hiến định, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thông suốt, khả thi, hiệu quả, đạt mục tiêu.
"Những băn khoăn, lo ngại của các vị đại biểu Quốc hội là có cơ sở, cần hết sức lưu ý trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và giám sát sau khi các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành, đảm bảo thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nguồn Znews: https://znews.vn/can-bo-khong-tam-tu-khi-sap-xep-tinh-gon-post1512931.html