Cận cảnh thi công nút giao hai cao tốc lớn nhất miền Tây

Nút giao giữa hai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được các nhà thầu tập trung thi công. Đây là hai dự án cao tốc lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng vốn đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.

Toàn cảnh khu vực thi công của dự án

Nút giao được xây dựng giữa hai dự án đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, kết nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với các địa phương và vùng dự án lân cận, giúp hoàn thiện kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL.

Khu vực nút giao hai dự án nhìn từ trên cao

Khu vực nút giao hai dự án nhìn từ trên cao

Với thiết kế dạng hoa thị, nút giao giữa hai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thuộc Dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do Sở GTVT tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư.

Theo Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang (dự án thành phần 3) có điểm đầu tại ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, điểm cuối dự án tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp. Dự án đi qua huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp với tổng chiều dài 36,9 km. Tổng mức đầu tư của dự án là 9.601 tỷ đồng.

Dự án có 3 nút giao liên thông để kết nối với mạng lưới hạ tầng giao thông của tỉnh là nút giao với QL61C tại xã Tân Hòa, nút giao với Đường tỉnh 927 tại thị trấn Cây Dương, đặc biệt là nút giao với đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại xã Bình Thành tại Km111+933.

Thi công đổ bê tông bản mặt cầu tại nút giao

Thi công đổ bê tông bản mặt cầu tại nút giao

Hiện nay, khu vực nút giao đang được Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tập trung thi công và đẩy nhanh các hạng mục, trong đó tập trung thi công cầu vượt trên tuyến, gác dầm và đổ bê tông bản mặt cầu.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ đi bên dưới của cầu vượt nút giao này

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ đi bên dưới của cầu vượt nút giao này

Về tình hình thi công toàn dự án, hiện nay tổng giá trị thực hiện khoảng 1.866/5.421 tỷ đồng, đạt 34,4% giá trị hợp đồng. Trong đó, gói thầu xây lắp số 1 đã thi công 18 km đường công vụ. Nhà thầu đã triển khai đồng loạt 12/12 cầu trên tuyến, đã lắp đặt dầm, đổ mặt cầu được 6 cầu, phấn đấu hoàn thành toàn bộ phần cầu trong quý II/2025.

Khu vực thi công dự án qua tuyến QL61 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Khu vực thi công dự án qua tuyến QL61 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Về phần đường, nhà thầu đã tiến hành đắp cát được khoảng 8 km; cắm bấc thấm với chiều dài khoảng 5 km, đắp cát gia tải được khoảng 3 km.

Các bãi đúc dầm của nhà thầu cạnh dự án

Các bãi đúc dầm của nhà thầu cạnh dự án

Đối với gói thầu xây lắp số 2 đã hoàn thiện khoảng 8 km đường công vụ, hiện nay đang tập trung tìm kiếm nguồn vật liệu để thi công 9 km đường công vụ còn lại, đồng thời tập trung thi công 12 cầu trên tuyến, trong đó có các cầu lớn như: Nàng Mau, Hòa Mỹ, Lái Hiếu, Hậu Giang 3.

Dự án gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn cát đắp nền đường

Dự án gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn cát đắp nền đường

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị tỉnh An Giang xem xét cho phép tăng công suất thêm 50% đối với mỏ đã cấp cho dự án thành phần 3 để tạo điều kiện hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tỉnh này cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận rà soát các mỏ cát trên địa bàn các tỉnh: An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre để sau khi phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nếu còn trữ lượng có thể lập thủ tục điều chuyển một phần ngược lại khối lượng cát đã điều chuyển từ dự án thành phần 3 cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (do không còn nhu cầu sử dụng) để đảm bảo tiến độ dự án.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/can-canh-thi-cong-nut-giao-hai-cao-toc-lon-nhat-mien-tay-183250224175748313.htm