Cần có chính sách đột phá để giữ chân nhân lực công nghệ thông tin trong khu vực công

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/7, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề xuất cần có chính sách đãi ngộ đặc thù nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp ngày 10/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021 - 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải có chính sách mạnh mẽ hơn nhằm thu hút nhân tài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong bộ máy nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng, thực tế cho thấy đội ngũ công nghệ thông tin tại chính quyền địa phương còn yếu và thiếu, trong khi những người có trình độ lại rời khu vực công để làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân do mức thu nhập không tương xứng, chỉ khoảng 5 - 7 triệu đồng mỗi tháng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: VGP

Trước thực trạng đó, ông đề xuất cần áp dụng cơ chế đặc thù, tương tự Nghị định 140 về thu hút nhân tài, cho phép cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ được hưởng mức lương gấp đôi hiện hành (200%) để có thể giữ chân và phát huy năng lực đội ngũ này.

Đồng thời, ông nhấn mạnh cần xây dựng một quỹ đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao, có thể huy động từ các nguồn tài trợ xã hội, đi kèm với cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả minh bạch.

Báo cáo của đoàn giám sát do ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội trình bày cho thấy: Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội về nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển nhanh của khoa học - công nghệ, sự cạnh tranh toàn cầu và chuyển đổi số, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang hiện hữu rõ rệt.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng có tới 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo. Một bộ phận lớn sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt ở các tiêu chí kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp và khả năng thích ứng.

Cả nước hiện vẫn còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo chuyên môn. Chất lượng lao động tuy có cải thiện, song còn chậm và chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việc phân bổ nhân lực chất lượng cao cũng đang mất cân đối, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn, trong khi vùng sâu, vùng xa, khu vực công lập lại thiếu hụt nghiêm trọng.

Trước những vấn đề nêu trên, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề trọng điểm và thúc đẩy hợp tác quốc tế với các trường uy tín.

Cũng theo kiến nghị, các cơ quan nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện đề án vị trí việc làm sau sắp xếp bộ máy, gắn chặt công tác tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ với mục tiêu thu hút và phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao.

Hệ thống đánh giá cán bộ cần được nâng cấp theo hướng định lượng, gắn chặt với sản phẩm, nhiệm vụ cụ thể, đồng thời có cơ chế sàng lọc hiệu quả.

Riêng đối với nguồn nhân lực trong khu vực ngoài công lập, cần cải thiện hệ thống dữ liệu thị trường lao động, đảm bảo tính kết nối, chia sẻ và cập nhật kịp thời để tạo cơ sở cho hoạch định chính sách và điều phối nhân lực quốc gia.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/can-co-chinh-sach-dot-pha-de-giu-chan-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-trong-khu-vuc-cong-319829.html