Cần có cơ chế huy động nguồn lực trong nước cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng cần có cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nước để tham gia vào dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, giảm bớt áp lực cho nguồn vốn nhà nước, đảm bảo hoàn thành tiến độ của dự án sớm nhất…

Thảo luận ngày 17/2 về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng cần được xem xét cẩn trọng, cụ thể như vấn đề tài chính, công nghệ và an toàn môi trường xã hội, địa chính trị.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, đây là lĩnh vực có công nghệ chuyên sâu, đặc thù, phức tạp, trong khi phải nhìn nhận thực tế trình độ nước ta có thể nói chỉ ở mức cơ bản trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực phụ trợ có liên quan. Do đó, chắc chắn phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài cùng với đó là vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án cũng là một vấn đề lớn, nếu không đảm bảo thì ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cũng như vận hành nhà máy.

“Nếu như không có chính sách về nhân lực phù hợp, nếu không nói là đặc biệt sẽ khó triển khai thực hiện và vận hành dự án trong nước trước mắt và dài hạn. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm có phương án, giải pháp ứng phó trong tình huống không mong muốn về kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án này, đảm bảo sự chủ động tối đa”, đại biểu nói.

 Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông).

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông).

Cùng với đó, đại biểu Dương Khắc Mai cũng nhấn mạnh, cần có cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nước để tham gia vào dự án, giảm bớt áp lực cho nguồn vốn nhà nước, để đảm bảo hoàn thành tiến độ của dự án, hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ, năng lực, làm chủ công nghệ, tự chủ vận hành nhà máy trong thời gian sớm nhất, để dự án cùng với các công trình, dự án lĩnh vực khác đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đi đến thắng lợi.

Theo Lê Mạnh Hùng (Cà Mau) dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô lớn và công nghệ phức tạp nên cần có cơ chế đặc thù rất cụ thể, rất rõ cho các chủ thể để thực hiện. Các cơ chế phải rất rõ, đặc biệt là về cơ chế tài chính đối với nguồn vốn chủ sở hữu là vốn đối ứng của doanh nghiệp và nguồn vốn vay thu xếp qua các hiệp định vay tín dụng xuất khẩu đối với các nhà cung cấp, đặc biệt là đối với EVN và PVN là 2 doanh nghiệp nhà nước 100% vốn thì nguồn vốn chủ sở hữu cần phải quy định rõ để tránh ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác EVN và PVN hiện nay đang triển khai.

Trong khi đó, Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) băn khoăn, trong dự thảo Nghị quyết có nêu là “chủ đầu tư không phải thực hiện các thủ tục, trình tự cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để thông qua phê duyệt các nội dung liên quan đến dự án đầu tư, phương án huy động vốn, thế chấp tài sản để vay vốn theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”.

Đại biểu Huân lý giải, chủ đầu tư có thể làm nhanh ở thời điểm đầu thực hiện dự án, nhưng sẽ vướng về sau khi họ muốn thay đổi vốn, phương án công nghệ. Điện hạt nhân là dự án rất lớn, quá trình làm có thể phát sinh nhiều thứ chưa lường trước được hết. Trong trường hợp sau này vốn chủ sở hữu không đáp ứng được, cần tăng mà cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước không tham gia giám sát, chủ đầu tư có đủ thẩm quyền điều chỉnh, hay cần phải xin Quốc hội? Đại biểu đề nghị nên để cơ quan chủ sở hữu nhà nước giám sát quá trình này để họ ra quyết định nhanh hơn.

Giải trình thêm về các nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, thông thường trên thế giới, để hoàn thành một dự án điện hạt nhân quy mô tương tự thì thời gian từ khi phê duyệt dự án đầu tư đến vận hành trong khoảng 10 năm. Trong đó, dự án tiến độ nhanh nhất cũng từ 7 đến 8 năm và đều phải có cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện những dự án này. Do tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân và lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2030-2031 rất cần có những cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh như trong dự thảo nghị quyết để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian thực hiện.

Theo Bộ trưởng, khi được Quốc hội thông qua, các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo thuận lợi và khả thi cho việc triển khai đồng bộ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, nhiều hạng mục công trình của dự án như việc đàm phán Hiệp định đối tác với tổng thầu thực hiện các gói thầu chìa khóa trao tay; lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, thu xếp vốn đầu tư, đền bù di dân tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực,… để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành dự án theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/can-co-co-che-huy-dong-nguon-luc-trong-nuoc-cho-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-d55977.html