Cần có quy trình thủ tục riêng đối với đất chuyển đổi sang sản xuất kinh doanh

ĐB nhấn mạnh, đất là tư liệu sản xuất đặc biệt của quốc gia, song dự thảo luật quy định quy trình thủ tục đối với đất cho sản xuất kinh doanh giống như đất ở, mất rất nhiều thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.

Quang cảnh Hội trường Diên Hồng sáng 7-4

Quang cảnh Hội trường Diên Hồng sáng 7-4

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 7-4, Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại hội trường, ĐB Đinh Ngọc Minh (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế lo ngại, một số quy định có thể làm tăng khả năng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Nêu thực tế là có tới 70% khiếu kiện gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội là thuộc lĩnh vực đất đai, ĐB Đinh Ngọc Minh đặt câu hỏi: “Sau khi sửa luật lần này, Ban soạn thảo đánh giá có thể giảm được tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ở mức nào? Sửa đổi luật lần này có tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai sản xuất nhằm tận dụng cơ hội ngàn năm của đất nước về dân số vàng, địa điểm vàng, thời cơ vàng cho các đại bàng cũng như chim sẻ về làm tổ hay không?”.

ĐB Đinh Ngọc Minh (Cà Mau)

ĐB Đinh Ngọc Minh (Cà Mau)

Đi vào các vấn đề cụ thể, ĐB Đinh Ngọc Minh cho rằng, một số quy định hiện tại của dự thảo luật có thể gây ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực thi sẽ rất khác nhau và tăng nguy cơ khiếu kiện.

Vẫn theo ĐB, chênh lệch về lợi tức từ việc chuyển các loại đất không phải đất ở sang đất ở rất lớn, nhất là khu vực đô thị, có nơi chênh lệch hàng chục triệu đồng/m2.

“Phần lợi tức này chủ yếu do doanh nghiệp bất động sản đang được hưởng; trả lời cho câu hỏi hầu hết các “đại gia” của ta đều kinh doanh bất động sản và nhà thầu. Sửa luật lần này hướng điều tiết chênh lệch địa tô như thế nào cũng chưa thấy, trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, ĐB nhận định.

Nhìn sang Trung Quốc, nơi đang có 80 triệu ngôi nhà chưa được bán, chưa kể bán nhưng chưa được ở, ĐB Đinh Ngọc Minh đề nghị có đánh giá xem nước ta có bao nhiêu ngôi nhà chưa được bán, chưa được ở, nhằm tránh rủi ro từ “bong bóng” bất động sản.

ĐB nhấn mạnh, đất là tư liệu sản xuất đặc biệt của quốc gia, song dự thảo luật quy định quy trình thủ tục đối với đất cho sản xuất kinh doanh giống như đất ở, mất rất nhiều thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp. Để giảm khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, ĐB đề nghị thiết kế 1 điều quy định riêng về đất chuyển đổi sang sản xuất kinh doanh theo hướng linh hoạt, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa; đồng thời đề nghị xem xét bỏ quy hoạch đất cấp huyện.

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) và một số ĐB khác bày tỏ quan tâm đến nội dung về xác định giá đất và cho rằng dự thảo trước có những điểm tiến bộ, song lần này lại bị bỏ ra.

“Nguyên tắc đền bù theo giá thị trường, mang ra tranh luận có rất nhiều ý kiến, cái này rất khó xác định, vì khi nhận đền bù thì giá thị trường ngày hôm nay là bao nhiêu. Một số tổ chức quốc tế dùng cách đền bù tiếp cận giá thị trường chứ không nói chính xác theo giá thị trường. Nguyên tắc giá thị trường xác định thế nào, phải do các cơ quan quản lý đến khảo sát, tham khảo ý kiến người dân trước thời điểm đền bù. Các cấp phê duyệt giá đất vài tháng trước thời điểm đền bù, thời điểm đền bù không nhất thiết phải theo giá thị trường tại thời điểm đấy, nhưng mà nguyên tắc vẫn được đảm bảo”, ĐB Nguyễn Quang Huân góp ý.

Chính vì thế, quy định “nguyên tắc giá thị trường” hoàn toàn khả thi, đã được thực hiện ở hàng trăm hàng ngàn dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), không nên vì có nhiều tranh luận mà bỏ ra khỏi dự thảo.

Tương tự, Điều 91 về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp quy định 4 hình thức đền bù, bằng nhà ở, đất nông nghiệp, đất khác và tiền.

“Tôi thấy có càng nhiều hướng đền bù thì càng tốt, càng thuận lợi cho người dân lựa chọn. Nhưng tôi không hiểu vì sao mất đất nông nghiệp lại đền bù bằng nhà ở, cái này cũng nên xem lại”, ĐB nêu quan điểm.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Cũng về nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị làm rõ hơn khái niệm “chỗ ở tái định cư tốt hơn nơi ở cũ”. Theo ĐB, nên quy định rõ, nơi tái định cư phải bảo đảm hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, người tái định cư phải được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn, cấp quận, cấp huyện hoặc cấp tỉnh theo nhu cầu thiết thực. Trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân sớm ổn định nơi ở.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-co-quy-trinh-thu-tuc-rieng-doi-voi-dat-chuyen-doi-sang-san-xuat-kinh-doanh-post684912.html