Cần đánh giá lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công

Cần phân tích đánh giá vấn đề lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công vì đây là vấn đề khá lớn, có nhiều lần đánh giá nội dung này nhưng chưa được đề cập chi tiết.

Ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Ông Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Ông Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Theo Tổng Thư ký Bùi Văn Cường, báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2023 đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực.

Song theo ông Cường, tại Nghị quyết 74 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Quốc hội đã giao cho Chính phủ phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ trong năm 2023. Theo đó, rà soát ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công còn thiếu, chồng chéo, mẫu thuẫn. Sửa đổi bổ sung định mức chi công, tài sản công, xe công. Hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất 2021-2025. Tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ chưa nêu được kết quả thực hiện các nhiệm vụ mà Quốc hội yêu cầu hoàn thành trong năm 2023, nhiệm vụ nào hoàn thành, nhiệm vụ nào chưa hoàn thành?, lý do và các nguyên nhân chủ quan khách quan thế nào? và các giải pháp xử lý. Do đó cần xem xét, cân nhắc thêm để làm rõ các nội dung này.

Ông Cường cũng đánh giá, Báo cáo đã đánh giá nhiều kết quả, hạn chế, từ đó chỉ ra những hạn chế tồn tại trong đó có hạn chế nhiều năm nhưng chậm khắc phục như: tình trạng giao dự toán không đúng thời gian quy định, tiến độ cổ phần hóa tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đảm bảo đạt được kết quả theo mục tiêu đề ra, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập chậm chưa đảm bảo tính khoa học hiệu quả trong hoạt động, hoạt động của một số Quỹ tài chính nhà nước để ngoài ngân sách hiệu quả chưa cao, nhiệm vụ thu chi còn trùng lắp với thu chi của ngân sách nhà nước.

“Đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, hạn chế tồn tại này trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Xác định đúng nguyên nhân hạn chế mới có cơ sở để đề ra các giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới”-ông Cường chỉ rõ, và đề nghị bổ sung thêm 2 giải pháp.

Cụ thể, để thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên các lĩnh vực theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí để quản lý sử dụng hiệu quả tài các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên. Tiếp tục rà soát tổng thể các quy định của pháp luật trên tinh thần vướng, khó ở đâu thì có tháo gỡ ở đó để kịp thời giải quyết, đảm bảo thực hành lãng phí đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, thực hiện nghiêm các giải pháp yêu cầu tại Nghị quyết 74 của Quốc hội, nâng cao công tác phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương, giữa các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới tập trung nêu một số kết quả liên quan đến tiết kiệm ngân sách nhà nước, tài sản công. Cần phân tích đánh giá vấn đề lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công vì đây là vấn đề khá lớn, có nhiều lần đánh giá nội dung này nhưng chưa được đề cập chi tiết.

“Đề nghị Chính phủ cần quan tâm đánh giá phân tích cụ thể hơn về vấn đề chậm giải ngân đầu tư công của các bộ ngành địa phương. Phân tích làm rõ nguyên nhân cũng như xác định rõ trách nhiệm về việc chậm giải ngân đầu tư công bởi đây là động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Việc chậm giải ngân có nguyên nhân khách quan nhưng cần nêu rõ hơn”-ông Y Thanh Hà Niê Kđăm kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm chỉ rõ, việc sắp xếp sử dụng tài sản công các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, nhất là các xã khu vực miền núi gây lãng phí lớn, thiếu cơ chế chính sách pháp luật để xử lý tại Cao Bằng, Hà Tĩnh cùng một số địa phương khác. Một số công trình dự án kéo dài nhiều năm đội vốn không hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng gây lãng phí nghiêm trọng diễn ra ở một số nơi, ở một số địa phương.

Đặc biệt, báo cáo cần làm rõ kết quả việc thực hiện các kiến nghị trong báo cáo giám sát của Quốc hội đối với việc giải quyết các dự án trọng điểm của ngành Công thương tuy đạt được một số kết quả ban đầu nhưng một số triển khai còn chậm như dự án TISCO2, Gang thép Thái Nguyên kéo dài nhiều năm. Đề nghị cần làm rõ phương án để xử lý. Đồng thời, cần đánh giá kỹ hơn mức độ thực hiện của các bộ, ngành liên quan đến 880 dự án công trình. Theo báo cáo mới có phương án giải quyết đối với 501 dự án, còn 379 dự án đang trong quá trình rà soát. Cần tiếp tục chỉ rõ địa chỉ, nguyên nhân chưa thực hiện được?.

Đề cập đến lãng phí về thời gian, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, qua rà soát việc ban hành các văn bản quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết của Quốc hội thấy rằng mặc dù năm 2023 khối lượng ban hành các Luật, Nghị quyết của Quốc hội thì các Nghị định, Thông tư của Chính phủ cũng rất lớn nhưng qua rà soát riêng mảng kinh tế có 12 đầu việc ban hành văn bản quy định chi tiết thì chỉ có 3 cái là đúng, còn 9 cái là chậm.

Ông Thanh nhìn nhận, hoàn thiện thể chế có “khoảng trống” pháp lý và ảnh hưởng đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện hệ thống pháp luật, và nó ảnh hưởng đến mất cơ hội của doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Cần phải mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân trách nhiệm việc chậm ban hành, và có giải pháp đẩy mạnh hơn việc ban hành văn bản quy định chi tiết trong thời gian tiếp theo.

Bên cạnh đó theo ông Thanh còn khá nhiều các công trình chậm. “Như thu hồi đất dự án sân bay quốc tế Long Thành, bố trí 23 ngàn tỷ đồng để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng từ năm 2021 nhưng đến nay là 2024 rồi. Dù rằng việc chậm không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án nhưng ảnh hưởng đến các giai đoạn thi công trong khi đây là công trình trọng điểm”-ông Thanh dẫn chứng.

Chưa kể, ông Thanh cũng nêu lên thực tế có việc công tác chuẩn bị vật tư chất lượng chưa tốt dẫn đến một số công trình mới hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác nhưng mà đã phải điều chỉnh, sửa đổi. Ví dụ xây nhà mới thì tiền bỏ ra ít thôi, nhưng xây nhà xong sửa chữa, chắp vá thì tiền sẽ tăng lên rất nhiều. Như thế là lãng phí.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-danh-gia-lang-phi-trong-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-10279909.html