Cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn
Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (Long Đọi Sơn), thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đến năm 2023, tầm nhìn 2050.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp
Chiều 11.4, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (Long Đọi Sơn), thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đến năm 2023, tầm nhìn 2050.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức; Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; các thành viên Hội đồng thẩm định.
Theo báo cáo của Viện Kiến trúc quốc gia (đơn vị tư vấn quy hoạch), phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 82,4ha, bao gồm 4 khu vực là: Điểm di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn; Khu vực mở rộng; Khu vực chuyển tiếp và Vùng đệm.
Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch sử dụng đất xã Tiên Sơn, quy hoạch chung của thị xã, quy hoạch phân khu 7 của quy hoạch chung thị xã Duy Tiên.
Quy hoạch đã đánh giá đầy đủ các vấn đề, yếu tố hiện trạng của khu vực quy hoạch, nghiên cứu tác động của các đồ án đã được quy hoạch ảnh hưởng đến đồ án.

Chùa Long Đọi Sơn có vị trí đặc biệt
Quy hoạch được lập trên cơ sở tôn trọng các khu vực di tích có giá trị hiện trạng, phát huy các tiềm năng, lợi thế của khu di tích, đưa ra các kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá tị di tích quốc gia đặc biệt Chùa Đọi Sơn.
Quy hoạch được lập trên nguyên tắc hài hòa giữa các lợi ích về kinh tế và bảo vệ di tích, thân thiện với môi trường sinh thái, bảo vệ các giá trị văn hóa, cảnh quan.
Quy hoạch đã định hướng các vấn đề về cải tạo không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường; đưa ra các khu vực phát triển mới phục vụ tốt hơn cho việc khai thác và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để đảm bảo đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn được thực hiện đúng định hướng, đảm bảo mang lại hiệu quả, tỉnh Hà Nam kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm sớm phê duyệt đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn để có cơ sở quản lý xây dựng thống nhất, hạn chế tối đa tình trạng phát triển tự phát.
Có các chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục chuyển đổi đất đai... phù hợp với các khu vực thu hút đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư phát triển. Đồng thời hỗ trợ ngân sách để thực hiện các hạng mục đầu tư.

Phối cảnh Quy hoạch chùa Đọi Sơn
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến về việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn.
Theo đó, cần tiếp cận theo hướng bảo tồn tạo sự cân bằng, đảm bảo di tích được truyền lại cho thế hệ tương lai trong khi vẫn khai thác được những giá trị trong giai đoạn hiện nay.
Quy hoạch cũng cần đặt trong tổng thể quy hoạch của tỉnh Hà Nam và huyện Duy Tiên, đồng thời xác định việc thu hút sự tham gia của cộng đồng với mục tiêu đưa di tích trở thành điểm đến văn hóa, du lịch tâm linh thực sự hấp dẫn của tỉnh Hà Nam.
Đặc biệt, cần chú trọng hình thành mô hình, hệ thống quản lý hiệu quả, chuyên nghiệp, có khả năng ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, chùa Đọi Sơn được xây dựng từ thời Lý, và được mệnh danh là “đại danh lam”.
Ngoài yếu tố cảnh quan thiên nhiên, vị trí quan trọng, di tích kiến trúc, vật thể gốc, chùa Đọi Sơn cũng lưu giữ nguồn tư liệu quý giá đã đúc kết tinh hoa văn hóa ở nhiều triều đại, từ tri thức dân gian đến tri thức bác học, bao gồm: Các tập kinh, kệ; văn tế, văn khấn, văn cúng, văn chầu, văn bia; hoành phi, câu đối, bài châm, thẻ bài, thơ, phú, lễ hội... là tài sản hết sức độc đáo có giá trị vô giá mà ít nơi có được.
Ngoài ra, chùa cũng lưu giữ nhiều hiện vật và nhóm hiện vật đã được xếp hạng Bảo vật quốc gia như tấm bia Sùng Thiện Diên Linh và 6 pho tượng Kim Cương, tượng thần Kinaras. Vì vậy, việc nghiên cứu quy hoạch cho khu vực này là hết sức cần thiết.
Thứ trưởng nhận định, tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã có sự thống nhất cao và các ý kiến của các Bộ, ngành đóng góp cho Quy hoạch đã được đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ.
Thứ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Hà Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch trên cơ sở các ý kiến của Hội đồng hôm nay.
"Sau cuộc họp này, Bộ VHTTDL sẽ có văn bản thông báo ý kiến của Bộ dựa trên ý kiến của Hội đồng về Quy hoạch. Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh có những điều chỉnh bổ sung để hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết.
Chùa Đọi Sơn do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054. Qua nhiều thời đại và nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa nhiều lần được trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính và những kiến trúc tiêu biểu của thời Lý.
Diện tích chung của chùa Đọi Sơn rộng trên 10.0000m2, lưng tựa vào núi Ðiệp với ba dòng sông bao quanh. Quanh chân núi có 9 giếng nước tự nhiên mà người dân vẫn gọi là chín mắt rồng.
Năm 1992, chùa Đọi Sơn được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Tháng 12.2017, chùa Đọi Sơn được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.