Cán đích trước hẹn

Mặc dù mục tiêu TP. Hà Nội đặt ra trong năm 2024 sẽ đánh giá, phân hạng khoảng 400 sản phẩm OCOP, nhưng đến hết tháng 12.2024, 30/30 quận, huyện, thị của thành phố đã hoàn thành việc đánh giá 606 sản phẩm, vượt xa mục tiêu đề ra.

Vượt mục tiêu kế hoạch

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội về thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024, trong năm, toàn thành phố đã đánh giá phân hạng 606 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 98 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 498 sản phẩm 3 sao (vượt 151% so với kế hoạch năm 2024 là 400 sản phẩm).

 Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh. Ảnh: Khánh Duy

Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh. Ảnh: Khánh Duy

Theo đánh giá của Hội đồng OCOP TP. Hà Nội, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024 tương đối đa dạng về chủng loại, phản ánh nét đặc trưng của từng địa phương trên địa bàn thành phố. Trong tổng số 606 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, nhóm sản phẩm thực phẩm chế biến chiếm tỷ lệ lớn nhất với 274 sản phẩm, tương đương 45%. Đây là nhóm sản phẩm chủ đạo, bao gồm các đặc sản vùng miền như bánh kẹo truyền thống, nước mắm, đồ uống đóng chai và các sản phẩm chế biến sâu từ nông sản.

Đứng thứ hai là nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ với 156 sản phẩm, chiếm 26%. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bao gồm đồ gốm sứ, mây tre đan, sản phẩm điêu khắc gỗ và các sản phẩm từ lụa truyền thống. Nhóm này được đánh giá cao về giá trị văn hóa và nghệ thuật, đại diện cho các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như Bát Tràng, Vạn Phúc và Chương Mỹ.

Nhóm sản phẩm thực phẩm tươi sống cũng ghi nhận con số ấn tượng với 134 sản phẩm, chiếm 22% tổng số. Đây là các sản phẩm như rau củ quả hữu cơ, thịt gia súc gia cầm, thủy sản và các loại nấm. Nhóm này được ưa chuộng nhờ bảo đảm tiêu chí sạch, an toàn, và được sản xuất theo các mô hình nông nghiệp hữu cơ hoặc ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Ngoài các nhóm sản phẩm chính, còn có một số sản phẩm đặc thù khác thuộc các nhóm như dược liệu và đồ uống như một số sản phẩm trà thảo dược và tinh dầu từ các huyện Sóc Sơn, Ba Vì...

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: đạt được kết quả nêu trên nhờ công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình OCOP năm 2024 của các quận, huyện, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố, cùng nỗ lực của các chủ thể tham gia cũng như đơn vị tư vấn đã hỗ trợ.

Giúp vươn tầm sản phẩm làng nghề

Là chủ thể tham dự hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 của TP. Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh Ngô Thị Tính chia sẻ: công ty tham gia đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố với 6 sản phẩm. Đây đều là sản phẩm nổi bật của công ty. Sản phẩm sau khi được đánh giá phân hạng sẽ giúp cho công ty có động lực hoàn thiện hơn về mẫu mã, kiểu dáng đạt tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với yêu cầu khắt khe.

Theo quy định, trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện qua các cấp: Hội đồng cấp huyện đánh giá, phân hạng các sản phẩm đạt 3 sao; Hội đồng cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) đánh giá, phân hạng các sản phẩm đạt 4 sao và Hội đồng cấp Trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm 5 sao.

Cũng theo bà Ngô Thị Tính, thông qua Chương trình OCOP, người tiêu dùng đã biết đến sản phẩm của công ty nhiều hơn, các sản phẩm của Công ty được bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại, và gian hàng bày bán sản phẩm OCOP trên cả nước. Hiện, các sản phẩm không chỉ bán vào các dịp Tết, mà còn được bán quanh năm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm là quà biếu, sử dụng trong dịp tiếp đón các nguyên thủ quốc gia các nước trên thế giới khi sang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Tương tự, với hơn 30 năm hình thành và phát triển, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh nhờ tham gia Chương trình đánh giá OCOP, đến nay các sản phẩm của công ty được nhiều khách hàng biết đến hơn. Đáng chú ý, các sản phẩm của Công ty đã chinh phục thị trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính nhất, như: Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha... "Được chứng nhận OCOP 5 sao là niềm tự hào, một sự bảo đảm vàng về chất lượng sản phẩm để gốm sứ Quang Vinh vươn xa hơn nữa ra thị trường thế giới" - đại diện Công ty chia sẻ.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Hà Nội xác định OCOP là chương trình có ý nghĩa rất lớn, phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-dich-truoc-hen-post402081.html