Cần 'đòn bẩy' hỗ trợ công chức, viên chức khởi nghiệp sau tinh giản
Theo dự kiến sẽ có khoảng 100.000 công chức, viên chức rời khỏi khu vực Nhà nước trong quá trình tinh giản, sắp xếp lại bộ máy. Trong số đó sẽ có nhiều người quay trở lại thị trường lao động ở khu vực tư, nhiều người có thể chọn hướng tự khởi nghiệp, khởi sự... đòi hỏi cần có nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Anh Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội) còn 10 năm nữa mới đến tuổi về hưu, hàng năm anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng nhận thấy sức khỏe bản thân và mức độ nhiệt huyết không còn được như trước, nên anh quyết định xin về hưu trước tuổi. Ở tuổi ngoài 50, nhận thấy cơ hội tìm việc làm mới tại các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân không cao, nên anh Hải quyết định sẽ tự kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà.
Chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Nội) cũng từng là một viên chức công tác trong khu vực công hơn 20 năm đã quyết định nghỉ việc để chuyển sang làm vị trí nhân sự tại một doanh nghiệp tư nhân từ tháng 9/2024 cho biết: “Thời gian đầu chuyển ra ngoài làm, tôi bị sốc về văn hóa và phong cách làm việc, cảm thấy khó bắt kịp với tốc độ làm việc của mọi người xung quanh. Khi làm ở doanh nghiệp tư nhân, hiệu suất công việc sẽ được tính theo mức độ hoàn thành KPI rất rõ ràng và áp lực”.

Dự kiến sẽ có khoảng 100.000 công chức, viên chức rời khỏi khu vực Nhà nước trong quá trình tinh giản, sắp xếp lại bộ máy (ảnh minh họa)
Sau một thời gian làm việc tại doanh nghiệp, đến nay chị Hiền đã dần thích nghi và bắt kịp “quỹ đạo” của công việc mới. Theo chị Hiền, điều quan trọng nhất khi chuyển từ làm nhà nước ra làm tại doanh nghiệp là dám thay đổi. “Khi bước sang công việc mới, đừng e ngại, thậm chí chấp nhận việc mình có thể chậm hơn, kém hơn những bạn trẻ tuổi hơn mình rất nhiều. Đặc biệt khi làm ở doanh nghiệp sẽ không có khái niệm "nhàn", một khi đã làm phải chấp nhận áp lực, vất vả, nhất là giai đoạn đầu chưa quen với công việc mới”, chị Hiền nói.
Đánh giá về thị trường lao động hiện nay, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, đơn vị này sẽ tiếp nhận, tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm nếu nhóm công chức, viên chức sau khi thôi việc có nhu cầu tìm việc làm mới.
Ông Thành đánh giá, đây là lực lượng lao động có trình độ, kinh nghiệm, thực tiễn, là nguồn lực dồi dào bổ sung vào thị trường lao động trong thời gian tới. Hiện nay nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng, hàng trăm doanh nghiệp đã tìm đến trung tâm để đăng ký tuyển dụng với chỉ tiêu việc làm đa dạng. Đây là cơ hội để người lao động tiếp cận với việc làm mới để sớm trở lại thị trường lao động.
Đánh giá về những cơ hội và thách thức của nhóm lao động khu vực công sẽ chuyển sang khu vực tư trong đợt tinh giản biên chế lần này, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) Vũ Trọng Bình cho rằng, đây là nhóm lao động thường xuyên được đào tạo, có trình độ cơ bản, có trách nhiệm làm việc và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Song một trong những thách thức lớn nhất là nhóm công chức, viên chức tinh giản, thôi việc giai đoạn này hầu hết đều trên 35 tuổi, sự linh hoạt và sức khỏe suy giảm, ảnh hưởng lớn đến việc tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời khó có thể cạnh tranh với những lao động trẻ ở khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, nhóm cán bộ rời nhà nước cũng có yêu cầu lựa chọn công việc cao hơn nhiều vì cần thời gian chăm sóc gia đình.
Theo Cục trưởng Cục việc làm, để hơn 100.000 người tinh giản, nghỉ việc ở khu vực công sớm ổn định đời sống, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 177/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ áp dụng với người nghỉ hưu trước tuổi) và Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ áp dụng với người nghỉ việc, thôi việc, với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của nhà nước, ông Bình cho rằng cần sự tham gia của toàn xã hội, hỗ trợ hiệu quả cho khu vực tư nhân tiếp nhận lực lượng lao động dôi dư. Trong đó cần tập trung đầu tư phát triển mạnh hơn các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra nhiều việc làm mới, mang lại giá trị cao. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét các chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai khi lực lượng tinh giản tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, làm kinh tế gia đình… để tự tạo việc làm bền vững, có giá trị cao.
Về phía Cục Việc làm cũng sẽ đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường lao động để kết nối việc làm, hỗ trợ đào tạo lại người lao động để chuyển đổi kỹ năng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động ngoài nhà nước.
Đặc biệt, để tận dụng hiệu quả nguồn lao động này, nhà nước và các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo lại, hỗ trợ người lao động tái tham gia thị trường đồng thời khai thác các thế mạnh mà họ có sẵn.