Cần đột phá thực chất và đồng bộ
Chiều 14.5, trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi), 24 đại biểu đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện chính sách cán bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu góp ý cho dự thảo Luật
Một điểm nổi bật là các kiến nghị về việc xây dựng chính sách đột phá để thu hút, phát hiện và trọng dụng người có tài năng thực sự trong khu vực công.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH Bình Dương) cho rằng, khái niệm “người có tài năng” cần được định nghĩa rõ trong Luật, không chỉ dựa trên bằng cấp mà phải căn cứ vào năng lực thể hiện qua sản phẩm cụ thể, hiệu quả công việc và có đóng góp thực chất.
Bà cũng đề nghị bổ sung quy định về chính sách đặc biệt của Nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, đồng thời đầu tư bài bản cho các cơ sở giáo dục công vụ quốc gia ngang tầm khu vực và quốc tế. Bà nêu dẫn chứng thuyết phục là chúng ta nên học tập kinh nghiệm của Singapore – quốc gia dành 4% ngân sách hằng năm cho công tác đào tạo và phát triển công chức.
Các đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) và Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh rằng, nhân tài trong công vụ không thể được phát hiện qua hồ sơ, bằng cấp hay các kỳ thi hình thức. Họ phải được nhận diện qua năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn, khả năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và đặc biệt là sự liêm chính.
Vì thế chính sách thu hút nhân tài, nếu chỉ dừng ở tăng lương, sẽ khó tạo đột phá. Điều cần thiết hơn là tạo môi trường để người tài được giao việc quan trọng, được trao quyền, được tin tưởng và có cơ hội cống hiến lâu dài.

Toàn cảnh phiên họp
Các đại biểu cũng nêu thực tế, tại nhiều địa phương miền núi, vùng khó khăn cho thấy, dù đã triển khai các nghị định về thu hút sinh viên giỏi và cán bộ trẻ, việc giữ chân người có tài vẫn gặp thách thức lớn. Nguyên nhân chính là nguồn lực ngân sách hạn chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn và thiếu cơ chế hỗ trợ đặc thù.
Đại biểu kiến nghị cần có quy định khung cứng về hỗ trợ ngân sách trung ương cho các địa phương khó khăn, tạo điều kiện thực thi chính sách một cách công bằng, hiệu quả.
Để chính sách đi vào thực tế, các đại biểu đề xuất một số giải pháp trọng tâm như cải tiến hệ thống đánh giá công chức theo đầu ra, kết quả và tác động thực tiễn; cho phép linh hoạt trong tuyển dụng, đặc biệt ở các vị trí cần đổi mới và sáng tạo; trao quyền phát hiện và sử dụng người tài cho lãnh đạo đơn vị, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát minh bạch và khách quan.
Một số mô hình quốc tế như Singapore, Pháp hay Nhật Bản là ví dụ được các đại biểu nêu ra để tham khảo. Ở các nước này, nhân tài được phát hiện từ sớm, đưa vào lộ trình đào tạo chuyên sâu và được giao nhiệm vụ lớn để thử thách và phát triển. Họ không được đánh giá theo thâm niên, mà theo năng lực và hiệu quả công tác.
Những kinh nghiệm trên cho thấy việc đãi ngộ vật chất là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Một chính sách thu hút nhân tài hiệu quả phải là chính sách của niềm tin – tin vào năng lực, khát vọng cống hiến và tạo cơ chế để người tài phát huy tối đa.
Muốn vậy, cần nhìn nhận chính sách nhân tài không chỉ như một phần của cải cách hành chính, mà phải coi đó là chiến lược phát triển quốc gia. Khi người có tài được tin tưởng, trọng dụng, và có điều kiện để thể hiện, họ sẽ không chỉ gắn bó lâu dài mà còn góp phần tạo nên một nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, thực chất và phụng sự nhân dân một cách hiệu quả nhất.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/can-dot-pha-thuc-chat-va-dong-bo-134631.html