Cần giữ ổn định SGK tiếng Anh phù hợp với khu vực và xu thế công nghệ số

Nếu thay đổi SGK quá thường xuyên, lộ trình học tập tiếng Anh sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và phát triển kỹ năng giao tiếp của học sinh.

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương đang rục rịch chọn sách giáo khoa cho năm học mới. Việc làm này đã khiến không ít giáo viên, phụ huynh băn khoăn, bởi năm học 2024-2025 cũng là thời điểm vừa hết một quy trình chọn lựa sách giáo khoa cho tất cả các lớp học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong khi đó, mỗi bộ sách giáo khoa lại có hệ thống ngữ liệu, triết lý, phương pháp giảng dạy khác nhau. Theo chia sẻ từ một số chuyên gia đào tạo tiếng Anh, việc làm này sẽ gây ra lãng phí, vất vả cho cả người học và giáo viên…

Sự liên kết giữa các cấp lớp đối với môn tiếng Anh là rất quan trọng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Quỳnh Trang - nguyên phó trưởng bộ môn Chất Lượng cao, khoa Sư Phạm Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, mỗi lần thay đổi sách giáo khoa đều mang đến rất nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các thầy cô. Bởi, giáo viên không chỉ đơn thuần là dạy theo sách, mà còn phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu phương pháp, thiết kế bài giảng, tìm cách làm cho bài học trở nên sinh động, gần gũi với học sinh.

Cô Trang chia sẻ, cô đã có cơ hội tập huấn rất nhiều giáo viên để làm quen được với 1 bộ giáo khoa mới, đào tạo họ cách khai thác tối đa nội dung của sách để giúp học sinh tiếp thu tốt nhất. Tuy nhiên, chưa quen được bao lâu thì giáo viên lại phải bắt đầu lại từ đầu vì lại có một bộ sách mới. Điều này thực sự gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Bởi khi đó, giáo viên lại phải làm quen, đào tạo, soạn bài, tài liệu thêm lại từ đầu, điều này thực sự mất rất nhiều thời gian và nguồn lực, nhiều khi cô và các đồng nghiệp còn thấy hơi “dã tràng xe cát biển đông”.

 Cô Nguyễn Quỳnh Trang - nguyên phó trưởng bộ môn Chất Lượng cao, khoa Sư Phạm Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Quỳnh Trang - nguyên phó trưởng bộ môn Chất Lượng cao, khoa Sư Phạm Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Về phía học sinh, bản thân cô Trang cũng từng chứng kiến nhiều học sinh cảm thấy hoang mang khi sách thay đổi. Đơn cử, một học sinh lớp 4 đã quen với cách tiếp cận của bộ sách A, nhưng khi lên lớp 5 lại phải dùng bộ sách B với cách trình bày khác, dạng bài tập khác gây lúng túng, mất thời gian để bắt nhịp, làm quen lại.

Đặc biệt là với môn tiếng Anh, sự liên kết giữa các cấp lớp là rất quan trọng. Nếu thay đổi sách giáo khoa quá thường xuyên, lộ trình học tập sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và phát triển kỹ năng giao tiếp của học sinh.

Với những em có nền tảng tốt thì có thể điều chỉnh nhanh hơn, nhưng với những học sinh chưa vững, sự thay đổi này có thể khiến các em bị hụt hẫng, thậm chí mất động lực học tập.

Do đó, trên thực tế, điều giáo viên và phụ huynh cần nhất là sự ổn định để có thể tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy và học chứ không phải liên tục loay hoay với những thay đổi về sách vở.

“Theo kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, tôi cho rằng, sự ổn định về sách giáo khoa tiếng Anh là rất quan trọng. Tiếng Anh không phải là môn học chỉ cần hiểu một lần là xong mà đòi hỏi một quá trình tích lũy liên tục”, cô Trang nhấn mạnh.

Từ thực tế của bản thân, cô Trang kể lại, từng có một học sinh lớp 9 học rất tốt với bộ sách giáo khoa cũ, vì sách có cách tiếp cận theo kiểu trực quan, dễ hiểu. Tuy nhiên, khi lên lớp 10, trường quyết định đổi sang bộ sách mới với phương pháp khác hẳn, nhiều phần ngữ pháp phức tạp hơn, ít hoạt động tương tác hơn. Kết quả là, học sinh đó cảm thấy mất hứng thú vì không còn thấy cách học phù hợp với bản thân nữa. Nếu sách được giữ ổn định, chắc chắn em ấy sẽ có cơ hội phát triển kỹ năng một cách mượt mà hơn.

Hơn nữa, không chỉ học sinh, mà ngay cả giáo viên cũng cần sự ổn định để có thể tối ưu hóa phương pháp giảng dạy.

Cô Trang thông tin, cô đã từng tham gia nhiều đợt tập huấn khi đổi sách giáo khoa, và mỗi lần như vậy, giáo viên mất rất nhiều thời gian để làm quen với cách tiếp cận mới, thiết kế lại giáo án, tìm tài liệu bổ trợ. Họ không chỉ dạy theo sách mà còn phải sáng tạo hoạt động, bổ sung tài liệu tham khảo và điều chỉnh phương pháp dạy cho phù hợp với học sinh.

Sự ổn định cũng giúp phụ huynh hỗ trợ con học tập tốt hơn. Khi phụ huynh đã quen với cách học, các dạng bài tập trong giáo khoa, họ có thể hướng dẫn con tại nhà hiệu quả hơn.

Cùng bàn về vấn đề trên, Thạc sĩ Phan Thanh Tiến – Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) cho biết, để giữ ổn định việc sử dụng sách giáo khoa, chúng ta rất cần lựa chọn sách giáo khoa tốt và giữ lại nó.

Theo thầy Tiến, trong 1 địa phương hay 1 trường mà năm này dùng bộ sách này năm sau dùng bộ sách khác tất yếu sẽ có sự “vênh”, gây vất vả cho cả học sinh và giáo viên vì có thể bị trùng lắp kiến thức hay thiếu kiến thức. Đồng thời, việc làm này còn gây lãng phí khi không thể kế thừa những bộ sách cũ.

Bên cạnh đó, thầy Tiến cho rằng, chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa vốn để có nội dung phù hợp với từng vùng miền khác nhau, thế nhưng vấn đề này hiện nay chưa được rõ ràng. Chúng ta cần phải phân ra mỗi bộ sách phù hợp với từng khu vực, vùng miền.

Cùng đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Tuyến – Trưởng Bộ môn Anh văn, Khoa Khoa học cơ bản Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, việc dùng nhiều bộ sách giáo khoa ở cùng một trường có thể gây lãng phí. Nếu lớp 3 học sách giáo khoa này, lớp 4 lại bộ sách giáo khoa khác, gây phản khoa học. Cô Tuyến cũng cho rằng, nên chọn sách giáo khoa sao cho phù hợp với đặc trưng của từng vùng miền.

 Tiết học minh họa chuyên đề “Sử dụng nguồn học liệu số và ứng dụng AI vào dạy học môn tiếng Anh, đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Tiết học minh họa chuyên đề “Sử dụng nguồn học liệu số và ứng dụng AI vào dạy học môn tiếng Anh, đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Cần sự kết hợp của sách giáo khoa tiếng Anh tích hợp công nghệ số và phương pháp giảng dạy mới

Mặt khác, cô Trang cũng đánh giá cao những bộ sách giáo khoa tiếng Anh có tích hợp công nghệ và tài liệu số.

Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cô Trang nhận thấy rằng, một trong những rào cản lớn nhất đối với học sinh Việt Nam khi học tiếng Anh là thiếu môi trường thực hành. Các em học rất nhiều ngữ pháp, làm bài tập rất nhiều, nhưng lại không có cơ hội luyện nghe – nói một cách thường xuyên. Những bộ sách có tài liệu số chính là một giải pháp để khắc phục điều này.

Chẳng hạn, một số bộ sách giáo khoa hiện nay có ứng dụng luyện phát âm, giúp học sinh ghi âm giọng nói của mình và so sánh với giọng bản ngữ. Khi cô áp dụng những công cụ này vào giảng dạy, học sinh đã tiến bộ nhanh hơn rất nhiều vì các em có cơ hội luyện nói mỗi ngày, thay vì chỉ chờ đến tiết học trên lớp mới thực hành.

Ngoài ra, các bộ sách có tài liệu số cũng giúp học sinh tự học dễ dàng hơn. Có những em rất thích học tiếng Anh nhưng không có đủ điều kiện tham gia lớp học thêm. Nếu sách có kèm theo ứng dụng hỗ trợ học tập, các em có thể tự học mọi lúc mọi nơi, chủ động ôn tập và cải thiện kỹ năng của mình. Nếu có hệ thống tài liệu, ứng dụng hỗ trợ tự học tốt, học sinh chủ động học tập cũng hạn chế học thêm tràn lan.

Hơn nữa, với giáo viên, những tài liệu này cũng là một kho tư liệu quý giá, giúp thầy cô có thêm công cụ để giảng dạy sinh động hơn, thay vì chỉ bám vào sách giấy truyền thống.

Nếu chúng ta muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần phải thay đổi cách tiếp cận. Học sinh cần được học tiếng Anh như một công cụ giao tiếp, chứ không phải chỉ để làm bài kiểm tra. Những bộ sách giáo khoa hiện đại, có tích hợp công nghệ, chính là chìa khóa để tạo ra sự thay đổi đó.

 Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Qua việc từng thử nghiệm sử dụng ứng dụng học tiếng Anh trong lớp, cô Trang đã nhận được kết quả rất đáng khích lệ như học sinh hào hứng hơn, nói nhiều hơn, nghe tốt hơn. Thay vì ngại nói do sợ sai, các em được luyện tập một cách tự nhiên và tự tin hơn rất nhiều.

“Nếu chúng ta thật sự muốn học sinh có thể sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, đây chính là lúc cần có một sự thay đổi mạnh mẽ. Tôi tin rằng, với sự kết hợp của sách giáo khoa hiện đại và phương pháp giảng dạy mới, điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực”, cô Trang nói.

Trong khi đó, thầy Tiến cho hay, trong việc sử dụng bộ sách giáo khoa nào quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo mà nó mang lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Thực tế hiện nay, chúng ta có sách giáo khoa tiếng Anh được tích hợp học liệu số, đây là một xu hướng tốt, mang lại nhiều thuận lợi cho người học.

Bởi, những sách giáo khoa như vậy vừa dễ sử dụng, vừa giúp không phải mang quá nhiều tài liệu giấy nhưng vẫn đảm bảo kiến thức. Hơn nữa, việc có các ứng dụng công nghệ số trong sách giáo khoa cũng có sức hấp dẫn, tạo hứng thú học tập cho các em nhiều hơn. Tuy nhiên, phải đảm bảo công cụ, trang thiết bị cho giáo viên để sử dụng những sách giáo khoa này để giảng dạy cho học sinh.

Còn theo cô Tuyến, đối với cách học hiện đại ngày nay, việc có sách giáo khoa tiếng Anh tích hợp những học liệu điện tử là rất phù hợp. Bởi các em học sinh có thể tự làm bài tập rồi tự chữa lại bài, từ đó thúc đẩy khả năng tự học của các em. Đồng thời, việc có những bộ sách như vậy sẽ góp phần thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 91-KL/TW là đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-giu-on-dinh-sgk-tieng-anh-phu-hop-voi-khu-vuc-va-xu-the-cong-nghe-so-post250407.gd