Cần hành động đồng bộ để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường

Cần đầu tư thật sự cho các trường sư phạm, nơi đào tạo ra giáo viên tiếng Anh và giáo viên các môn học dạy bằng tiếng Anh.

Theo chương trình giáo dục phổ thông, học sinh Việt Nam được học tiếng Anh từ lớp 3 (môn học bắt buộc), trên thực tế, thậm chí nhiều trẻ được học từ mẫu giáo.

Nhưng sau mười mấy năm học tiếng Anh, một tỉ lệ không nhỏ học sinh, sinh viên vẫn ngại nói, ngại nghe và ngại dùng tiếng Anh trong những tình huống thật. Điều ấy không phải lỗi của người học. Mà gốc rễ nằm ở cách dạy, cách học, cách thi, cách tổ chức toàn bộ hệ thống giáo dục ngoại ngữ hiện nay.

Hầu như chúng ta dạy tiếng Anh như dạy một môn học hàn lâm, hơn là một công cụ sống. Chúng ta thi tiếng Anh như đánh đố ngữ pháp, thay vì đo lường năng lực sử dụng ngôn ngữ. Và hệ quả là, người học không nói được, dù đã “học” rất nhiều.

Trong khi ấy, các trung tâm tiếng Anh mọc lên ngày càng nhiều, quảng cáo rầm rộ, học phí đắt đỏ. Phụ huynh nghèo thì “ráng gồng”, phụ huynh khá giả thì đầu tư mạnh tay. Từ đó hình thành một khoảng cách lớn về cơ hội tiếp cận ngoại ngữ, mà đáng lẽ, phải được đảm bảo bình đẳng từ nhà trường.

Từ quyết tâm chính trị đến chiến lược quốc gia

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị khẳng định rõ: “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường”.

Đây không chỉ là mục tiêu giáo dục, mà là một sự khẳng định tầm nhìn chiến lược về hội nhập quốc tế, chuyển đổi số và nâng tầm trí tuệ quốc gia thông qua tiếp cận nhanh và hiệu quả tri thức nhân loại.

Xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ xây dựng Đề án để cụ thể hóa, tạo một khung hành động đồng bộ và có lộ trình thực hiện.

Tuy nhiên, giữa chủ trương đúng và thực tiễn chuyển hóa luôn tồn tại một khoảng cách, nếu chúng ta không hành động đồng bộ, bài bản và đủ chiều sâu.

 Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Không thể chỉ “học tiếng Anh” mà phải sống trong tiếng Anh

Để tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, chúng ta phải chuyển trọng tâm từ dạy tiếng Anh sang dạy học bằng tiếng Anh. Học sinh cần học các môn Toán, Khoa học, Âm nhạc… bằng tiếng Anh. Cần có môi trường để các em “sống trong tiếng Anh”, tương tác bằng tiếng Anh hằng ngày trong lớp, ngoài lớp.

Việc đó không thể làm nếu thiếu ba nền tảng: người thầy, cơ sở vật chất, và phân bổ tài chính hợp lý.

Đầu tư cho “máy cái” là then chốt

Không có trường học nào dạy tiếng Anh tốt nếu giáo viên không được trang bị chuẩn năng lực mới.

Cần đầu tư thật sự cho các trường sư phạm, nơi đào tạo ra giáo viên tiếng Anh và giáo viên các môn học dạy bằng tiếng Anh.

Để làm được điều đó, có nhiều việc phải làm như: (1) bồi dưỡng giảng viên sư phạm theo hướng song ngữ, dạy học tích hợp… (2) hợp tác quốc tế để tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu, học tập kinh nghiệm các nước có hệ thống giáo dục song ngữ phát triển như Singapore, Ấn Độ... (3) tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên, đặc biệt ở các vùng khó khăn, nơi học sinh vốn ít có cơ hội học ngoài nhà trường.

Người thầy vẫn là nhân tố quyết định. Hãy đầu tư đúng và đủ vào “người gieo” là việc nên làm đầu tiên.

Cơ sở vật chất và công nghệ là điều kiện tiên quyết

Không thể học tiếng Anh hiệu quả nếu phòng học nghèo nàn, thiết bị lạc hậu, sách học thiếu thốn. Phòng học ngoại ngữ phải đủ tiêu chuẩn, có thiết bị nghe - nhìn, thư viện tài nguyên số, nền tảng học tập trực tuyến.

Trường học cần mạng internet ổn định, phần mềm học liệu mở, kênh học tiếng Anh miễn phí chất lượng cao… Nói chung là không còn là phải học mà là được học, học được và càng học càng thích thì mới thực sự thay đổi căn bản.

Đặc biệt, cần có cơ chế ưu tiên đầu tư cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi hiện nay đang rất thiếu điều kiện tiếp cận tiếng Anh.

Tài chính là công cụ – nhưng phải được phân bổ hợp lý

Đề án quốc gia cần được bảo đảm bằng một cơ chế phân bổ tài chính công bằng và hiệu quả, chẳng hạn như Trung ương hỗ trợ các chương trình chiến lược và khuyến khích đầu tư hạ tầng, đào tạo giảng viên sư phạm, giáo viên…

Địa phương linh hoạt thực hiện các mô hình phù hợp, đảm bảo quyền tiếp cận tiếng Anh cho học sinh yếu thế; Cho phép các trường vận động xã hội hóa, nhưng không để tư nhân hóa giáo dục ngoại ngữ theo hướng thương mại hóa.

Mặt khác, việc đầu tư ngân sách cho giáo dục tiếng Anh không chỉ dừng lại ở con số, mà cần được giám sát hiệu quả sử dụng.

Mỗi khi chi ngân sách tạo ra giá trị thực chất, giúp nâng cao chất lượng dạy và học thì niềm tin đối với một chủ trương đúng đắn sẽ thúc đẩy toàn xã hội hưởng ứng mạnh mẽ, đồng thời dễ dàng chia sẻ trách nhiệm với nhau.

Không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình hội nhập

Muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, chúng ta không thể chỉ thay sách, thay chương trình, tổ chức cuộc thi rồi… chờ kết quả. Cần một sự chuyển động toàn hệ thống, từ Bộ, ngành, địa phương đến nhà trường và mỗi thầy cô.

Và hơn cả chính sách, là tình yêu của người dạy, niềm tin của người học và sự quyết tâm của cả cộng đồng.

Đừng để tiếng Anh chỉ là “một môn học nữa”. Hãy biến nó thành một công cụ sống, một cánh cửa mở ra thế giới cho mọi học sinh Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo.

Muốn đi xa, phải đi cùng nhau. Và hành trình tiếp cận nhanh, sâu tri thức nhân loại, cần một quốc gia cùng học, để cùng bước ra thế giới, bằng bản lĩnh của chính mình.

Hướng Sáng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-hanh-dong-dong-bo-de-dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-hai-trong-nha-truong-post250823.gd