Cần hành lang pháp lý cho xuất khẩu điện
Việt Nam đã xuất khẩu điện sang Campuchia qua các đường dây trung áp (22 kV, 35 kV) dọc biên giới và đường dây cao áp 220 kV Châu Đốc - Tà Keo. Tuy nhiên, xuất khẩu điện bằng cáp ngầm xuyên biển và không thông qua hệ thống truyền tải quốc gia thì chưa từng được thực hiện.
Nhiều đề án xuất khẩu điện
Bộ Công thương đã nhận được một số đề nghị xuất khẩu điện sang nước ngoài với đích đến là Singapore.
Cụ thể, tỉnh Cà Mau đã gửi Bộ Công thương đề nghị thẩm định đề án xuất khẩu điện, với mục tiêu xuất khẩu vào các năm 2031 - 2035 - 2040 lần lượt là 2.000 MW, 3.000 MW và 5.000 MW. Các nguồn điện được sử dụng để xuất khẩu theo đề nghị này là điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, gần bờ, điện mặt trời, điện sinh khôi, hệ thống tích trữ năng lượng (BESS). Cơ cấu nguồn điện đáp ứng hệ số phụ tải lớn hơn 75%. Để xuất khẩu, Đề án sẽ xây dựng trạm chuyển đổi xoay chiều (AC)/một chiều (DC) tại huyện Ngọc Hiển với điện áp 500 - 600 kV, công suất 2.000 - 4.000 MW. Tiếp đó là xây dựng đường dây cao áp một chiều trên không từ chạm chuyển đổi tại huyện Ngọc Hiển tới Khai Long với chiều dài 25 km và xây dựng cáp ngầm từ điểm tiếp bờ tại Khai Long (Việt Nam) tới Singapore với chiều dài khoảng 900 km.
Việt Nam đang xuất khẩu điện sang Campuchia qua các đường dây trung áp (35 kV, 22 kV) dọc biên giới Việt Nam - Campuchia và đường dây cao áp 220 kV Châu Đốc - Tà Keo (từ trạm biến áp 220 kV Châu Đốc tại tỉnh An Giang, Việt Nam, tới trạm biến áp 220 kV Tà Keo bên phía Campuchia).
Sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia theo hợp đồng khung là khoảng 1 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên gần đây, nhu cầu mua điện của Campuchia giảm và không tới 1 tỷ kWh/năm.
Các nhà đầu tư quan tâm trong đề án này gồm có Công ty cổ phần Điện Gia Lai, Công ty PACC Offshore Services Holdings LTD (Singapore).
Một đề xuất khác đến từ tỉnh Trà Vinh có quy mô công suất xuất khẩu khoảng 1.000 MW, dự kiến được thực hiện trong năm 2030 là của Công ty cổ phần Tập đoàn The Green Solution. Tại Đề án, địa điểm dự kiến đặt trạm chuyển đổi AC/DC điện áp 500 kV hoặc 525 kV tại huyện Duyên Hải, với tổng chiều dài đường dây truyền tải tới Singapore khoảng 1.180 km.
Đề xuất thứ ba là của liên danh Công ty TNHH Sembcorp Utilities (SCU) và Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) với quy mô xuất khẩu khoảng 2.300 MW. Đường dây truyền tải từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Singapore dài gần 1.100 km.
Các đề xuất nêu trên đều bao gồm các nhà máy điện không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia do cần đảm bảo các nguồn điện xuất khẩu là các nguồn điện sạch.
Cần khung pháp lý cho xuất khẩu điện
Theo Bộ Công thương, Nghị quyết số 55 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá “mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách tức, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn”. Mục tiêu cụ thể được đề ra là “cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030”. Nghĩa là không có nội dung xuất khẩu điện.
Dẫu vậy, Nghị quyết số 81/2023/QH15 cũng đã nêu việc “nghiên cứu kết nối năng lượng với các nước trong khu vực ASEAN”. Tiếp đó, chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ cũng đã giao UBND tỉnh Cà Mau lập “Đề án xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi Cà Mau” và Bộ Công thương thẩm định.
Theo Bộ Công thương, chủ trương xuất khẩu điện với quy mô 5.000 - 10.000 MW tương ứng khoảng 3 - 6% tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước theo Quy hoạch Điện VIII (tổng công suất 150.489 MW) và hình thành hệ thống lưới điện cao áp/siêu cao áp kết nối với quốc gia khác là một chủ trương lớn và mới, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, về mặt Quy hoạch không gian biển, Báo cáo của Bộ Công thương cũng dẫn Báo cáo số 105/BC-BTNMT ngày 14/8/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chưa đủ căn cứ, cơ sở để tham mưu xem xét, chấp thuận các hoạt động khảo sát lập dự án điện gió ngoài khơi.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang hoàn thiện để trình Dự thảo Nghị định để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Liên quan đến các quy định pháp lý, hiện pháp luật về điện lực chỉ quy định thẩm quyền mua bán điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia mà chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục quyết định việc mua bán điện với nước ngoài không thông qua hệ thống điện quốc gia.
Vì vậy, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP làm cơ sở thực hiện việc mua bán điện với nước ngoài với các trường hợp xuất khẩu điện không thông qua lưới điện quốc gia.
Cạnh đó, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án cáp ngầm vượt biển đi qua vùng đặc quyền kinh tế của ba nước Việt Nam, Malaysia, Singapore cũng chưa được quy định. Vì thế cần xem xét bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư với trường hợp này hoặc các trường hợp tương tự nếu có.
Với thực trạng này, Bộ Công thương cũng đã đề nghị Chính phủ nhiều nội dung trong đó có xin chủ trương cụ thể từ Bộ chính trị về việc xuất khẩu điện quy mô lớn và giao cho các bộ, ngành xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để thể chế hóa chủ trương, làm cơ sở để triển khai xây dựng.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư, việc lựa chọn các nhà đầu tư các dự án trên biển và nghiên cứu bổ sung quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi và cáp ngầm vượt biển đi qua khu vực lãnh hải, đặc quyền kinh tế biển của nhiều nước.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-hanh-lang-phap-ly-cho-xuat-khau-dien-d201651.html