Cần loại bỏ những biến tướng từ phong tục dắt vợ của dân tộc Mông

Thời gian vừa qua, clip nam thanh niên 'bắt vợ' ở Hà Giang được lan truyền đã gây xôn xao xã hội. Hầu hết mọi người đều tỏ ra bất bình với hành động của nam thanh niên trong clip và cho rằng chuyện 'bắt vợ' như thế đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại, cần được loại bỏ. Liên quan đến vụ việc này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam có phản ánh.

Gia đình ông Thào ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La có 5 người con năm nay đều đã lập gia đình và đầy đủ các cháu nội ngoại. Các con ông đều được dựng vợ gả chồng khi đã đủ tuổi cho phép và được sự đồng thuận của cả 2 bên gia đình, họ tộc. Con trai trai trưởng của ông Thào cũng lấy vợ sinh con được vài năm nay. Anh cũng chưa từng chứng kiến cảnh cảnh bắt vợ hay kéo vợ trên quê hương Tà Xùa. Bản thân anh lúc lấy vợ cũng qua tìm hiểu, quen biết từ trước chứ không phải đi “bắt vợ” về.

Anh MÙA A LẠNH - Bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: “Theo ở chỗ tôi thì không chịu ảnh hưởng từ việc bắt ép các chàng trai đi kéo vợ hoặc bắt vợ. Mình thích thì khi mình đủ tuổi thì mình đi lấy vợ tùy theo mình thích, tùy sự lựa chọn của mình mà không phụ thuộc bắt ép của anh em họ hàng gia đình.”

Ông HỜ LAO CANG - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: “Đôi vợ chồng đã thỏa thuận với nhau, thì nó có 1 phong tục là người con trai phải cầm tay người con gái để kéo về nhà mình, để sau này nếu có cái gì mâu thuẫn thì người con gái có lý do nói là đang băn khoăn nhưng anh kéo về làm dâu. Truyền thống văn hóa của các ông cụ ngày xưa thì có văn hóa này, nhưng từ thời đẻ tôi thì tôi cũng chưa thấy người Mông ở Hang Chú, hay Bắc Yên kéo vợ cả!”

Vụ nam thanh niên “bắt vợ” ở Hà Giang trong mấy ngày vừa qua gây bức xúc dư luận vì đó là hành động sai bản chất tốt đẹp của phong tục “kéo vợ”, “dắt vợ” xa xưa của người Mông, và thậm chí vi phạm pháp luật.

Em MÙA A LỀNH - Trường Dân tộc nội trú huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: Cái việc bắt vợ này theo em nghĩ là nên bỏ vì cái việc bắt vợ này sẽ làm cô gái không lấy được người mình yêu và cuộc đời sẽ không được tốt ạ”.

Em MÙA THỊ MAI: Trường Dân tộc nội trú huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: Phong tục này bây giờ lạc hậu rồi. Mình nên bỏ nó đi, tại vì bắt người ta về làm vợ mà người ta không yêu mình thì sẽ không đồng ý sống với nhau cả đời, nên phong tục này nên bỏ, không nên tiếp tục diễn ra nữa”.

Theo tục “dắt vợ” của đồng bào Mông xưa kia, trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng, đã tìm hiểu và “ưng cái bụng” thì mới “dắt về” nhà báo cáo cha mẹ, họ hàng. Ngày nay, nhiều bản vùng cao đã bỏ tục này. Mùa xuân, con trai còn gái người Mông dùng trái Pao, tiếng đàn môi để tìm hiểu, giao duyên. Rất buồn là 1 số địa phương tục “dắt vợ” đã bị biến tướng theo kiểu cưỡng ép.

Ông HỜ LAO CANG - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La: Theo tôi vấn đề này nên tuyên truyền vận động bỏ đi, không cần duy trì cũng không cần phát huy nữa vì vấn đề này cũng không phải là vấn đề tốt. Vì tiến bộ sau này thì tuyên truyền cho đồng bào Mông bỏ vấn đề bắt vợ, kéo vợ.”

Các vụ việc biến tướng của tục “dắt vợ” diễn ra trong thời gian qua cho thấy, các địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông, nhất là ở vùng cao, vùng sâu vùng xa cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Luật hôn nhân gia đình, và cần xử lý nghiêm khắc đối với những người lợi dụng phong tục tập quán, cố tình làm sai vì mục đích cá nhân. Đồng thời cũng là để trả lại sự trong sáng, đúng bản chất của các phong tục tập quán đẹp, đậm nhân văn.

Thực hiện : Hoàng Hà Sơn Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-loai-bo-nhung-bien-tuong-tu-phong-tuc-dat-vo-cua-dan-toc-mong