Cần một 'mức giá' cho khí thải carbon

Các công cụ định giá khí thải carbon là cần thiết để đưa chi phí phát thải gây ô nhiễm vào giá thành sản phẩm, dịch vụ, từ đó hạn chế sản xuất kém bền vững, đồng thời huy động được nguồn tài chính hỗ trợ các giải pháp thân thiện với môi trường.

Nền kinh tế trong suốt nhiều năm qua được vận hành dựa trên cơ chế thị trường, tức là nguyên tắc cung – cầu. Thông qua cơ chế thị trường, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy và điều tiết một cách hợp lý, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế lâu dài.

Tuy nhiên, cơ chế thị trường không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Một trong số những khuyết tật thị trường được ông Wolfgang Mostert, Chuyên gia quốc tế về tài chính và các công cụ quản lý chính sách khí hậu và năng lượng, chỉ ra, là việc những tác động tiêu cực của sản xuất, kinh doanh gây ra cho môi trường suốt nhiều năm nay chưa hề được tính vào chi phí.

Điều này có nghĩa là sản phẩm được sản xuất thông qua quá trình gây hại cho môi trường, xả nhiều khí thải gây biến đổi khí hậu đang được bán với giá quá rẻ. Trong khi đó, những sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường lại có chi phí cao.

Nếu tính GDP theo tiêu chí 'xanh', kinh tế Việt Nam chưa chắc đã tăng trưởng

Nền kinh tế cứ vận hành theo cách như vậy suốt nhiều năm, dẫn đến chuỗi sản xuất được hình thành theo mô hình tuyến tính, văn hóa tiêu dùng nhanh được ưa chuộng, tạo ra một khoảng cách khó có thể xóa nhòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Những năm gần đây, hậu quả ngày càng trở nên khủng khiếp của biến đổi khí hậu, và khủng hoảng rác thải buộc các quốc gia phải suy nghĩ lại về mô hình tăng trưởng. Nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết

Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm không thể được giải quyết bằng giải pháp “đánh đổi”, hy sinh kinh tế để bảo vệ môi trường, bởi tăng trưởng kinh tế bao trùm cũng là một cấu phần quan trọng của phát triển bền vững.

Vì vậy, theo ông Wolfgang, cần có giải pháp hài hòa, làm sao vừa thực hiện được mục tiêu giảm phát thải nhưng cũng đảm bảo duy trì hiệu quả kinh tế. Đó là nhóm giải pháp mang tính thị trường mà tiêu biểu là công cụ định giá cho phát thải carbon.

Chia sẻ quan điểm với ông Wolfgang, tại tọa đàm Định giá carbon – Nguồn lực định hình chiến lược bảo vệ khí hậu của Việt Nam do Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức, TS. Trương An Hà, Chuyên gia nghiên cứu tại VIETSE, chỉ ra 3 lý do cần thiết phải có một cơ chế định giá carbon tại Việt Nam.

Thứ nhất, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, định giá carbon là công cụ hiệu quả, không chỉ trong giảm phát thải khí nhà kính mà còn khuyến khích phát triển, ứng dụng công nghệ sạch hơn, thông qua việc tạo ra động lực và cung cấp tài chính.

Thứ hai, giúp phân bổ đồng đều gánh nặng chi phí giảm phát thải khí nhà kính giữa các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế.

Cuối cùng, tạo ra sự tương thích với các cơ chế định giá carbon trên toàn cầu, trong đó phải kể đến cơ chế biên giới carbon (CBAM) của EU.

Thực tế, tại Việt Nam, các công cụ định giá carbon đã và đang dần được định hình, bao gồm một công cụ gián tiếp được sử dụng từ lâu là thuế bảo vệ môi trường và một công cụ trực tiếp sẽ áp dụng trong tương lai là thị trường tín chỉ carbon.

Nhận định việc định giá carbon là điều cần thiết, tuy nhiên, theo ông Wolfgang, để công cụ này phát huy được hiệu quả, cần phải cân nhắc đến một số yếu tố. Đó là cơ chế hỗ trợ cho những người chịu tác động tiêu cực bởi mức giá carbon cao, có thể là nhân lực trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất có nguy cơ mất việc nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

Rừng là nguồn tín chỉ carbon có giá trị cao

Bên cạnh đó, cần có chính sách đổi mới công nghệ gắn với định giá carbon, cơ chế cấp vốn ổn định và hợp lý để sử dụng nguồn tài chính thu được từ định giá carbon đầu tư cho những dự án nghiên cứu, áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường.

Đồng quan điểm với ông Wolfgang, TS. Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Climate Innovation, nhận định, đối với chính sách phát triển bền vững nói chung và công cụ định giá carbon nói riêng, yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công là khả năng huy động nguồn vốn đầu tư.

Vì vậy, để chính sách hạn ngạch và giao dịch tín chỉ carbon có hiệu lực, ông Nam đề xuất cần có các quy định mang tính kỹ thuật để đảm bảo dòng vốn được dịch chuyển vào những lĩnh vực công nghệ hấp dẫn, công nghệ phát thải thấp thay vì để Việt Nam trở thành "bãi rác công nghệ”.

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/can-mot-muc-gia-cho-khi-thai-carbon-1664425079938.htm