CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH NỘI HÀM QUYỀN TƯ PHÁP TRONG DỰ ÁN LUẬT TÒA ÁN NHÂN DÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Theo chương trình, dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); trước khi trình Quốc hội, dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 26. Một trong những nội dung mới, quan trọng nhưng còn ý kiến khác nhau được cơ quan soạn thảo trình xin ý kiến, đó là quy định về nội hàm quyền tư pháp trong dự án luật.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Toàn cảnh Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Theo Tờ trình dự án luật, Tòa án Nhân dân tối cao - cơ quan soạn thảo, nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; đồng thời thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”; “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, Điều 2 Dự thảo luật đã bổ sung quy định về nội hàm quyền tư pháp. Theo đó, “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.”

Vì vậy, quyền tư pháp đã được quy định tại Điều 2 của dự án luật: “Quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Do đây là vấn đề mới, quan trọng nhưng còn ý kiến khác nhau nên ban soạn thảo đã trình xin ý kiến của cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có 02 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc làm rõ nội hàm quyền tư pháp là cần thiết, nhưng đây là vấn đề lớn, đặc biệt quan trọng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác. Nghị quyết 27 chỉ yêu cầu: “Xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, mà không yêu cầu làm rõ nội hàm quyền tư pháp. Luật Tổ chức Quốc hội không quy định nội hàm quyền lập hiến, quyền lập pháp; Luật Tổ chức Chính phủ cũng không quy định nội hàm quyền hành pháp.

Cho đến nay, nội hàm quyền tư pháp vẫn chưa có sự thống nhất, quan niệm còn khác nhau. Theo Nghị quyết 27: “Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”. Vì vậy, chưa nên quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật, mà chỉ nên quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp.

Loại ý kiến thứ hai tán thành cần quy định nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật, vì làm rõ được nội hàm quyền tư pháp sẽ là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án. Tuy tòa án nhân dân được Hiến pháp giao thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 102); Nghị quyết 27 yêu cầu “Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, nhưng đến nay nội hàm quyền tư pháp vẫn chưa được hiểu thống nhất và chưa được quy định đầy đủ trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân và các luật có liên quan. Do đó, quy định rõ nội hàm quyền tư pháp trong dự thảo Luật để thể chế hóa Nghị quyết 27, cụ thể hóa Hiến pháp 2013; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 (Luật hiện hành). Trên cơ sở quy định của dự thảo Luật, sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định thuộc nội hàm quyền tư pháp do Tòa án thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 26, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trong lịch sử lập hiến, lần đầu tiên khái niệm quyền tư pháp được thể hiện ở trong Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001, trong đó lần đầu tiên quy định ở Điều 2, đó là: quyền lực nhà nước thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là lần đầu tiên khái niệm quyền tư pháp được ghi nhận trong Hiến pháp; đến năm 2013 khi ban hành Hiến pháp năm 2013 cùng với việc bổ sung, hoàn thiện nguyên tắc về tổ chức quyền lực nhà nước cũng đã bổ sung quy định về chủ thể thực hiện quyền tư pháp là Tòa án nhân dân tối cao, trong đó quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, nội hàm của quyền tư pháp này như thế nào, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào trong các văn bản luật cũng như trong các văn kiện của Đảng và quá trình xây dựng Đề án về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 27, đây cũng là vấn đề đã được nêu ra và thảo luận trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến khác nhau vì vậy Nghị quyết 27 không có quy định cụ thể về nội hàm của quyền tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, việc làm rõ nội hàm quyền tư pháp cũng như các vấn đề liên quan đến quyền tư pháp là rất cần thiết nhưng đây cũng là vấn đề rất lớn và rất quan trọng, liên quan không chỉ đến tổ chức, hoạt động của các Tòa án nhân dân mà phải đặt trong tổng thể hoạt động của các cơ quan tư pháp và rộng hơn là các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Hiện nay, trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ cũng chưa có quy định cụ thể về nội hàm của quyền lập hiến, quyền lập pháp cũng như nội hàm của quyền hành pháp. Nếu quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nội hàm quyền tư pháp là một bước tiến. Nhưng đây là vấn đề cần phải nghiên cứu hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, cần phải làm rõ nội hàm gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân.

Xét trong bối cảnh hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu và lập luận rõ đầy đủ lý lẽ, những ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến: có quy định hay không quy định về quyền tư pháp trong dự án luật để báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm, quy định về quyền tư pháp như trong dự thảo luật là quá rộng, bao hàm nhiều khái niệm, như xét xử, phán quyết, giải thích, áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa giải thích các thuật ngữ này, do đó đề nghị nếu quy định trong dự án luật cần bổ sung giải thích các thuật ngữ này trong dự thảo luật. Mặt khác, đại biểu đề nghị làm rõ áp dụng pháp luật, quyền tư pháp trong dự thảo luật có thống nhất với thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay không?

Phát biểu chỉ đạo về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong quá trình sửa đổi Luật Tòa án nhân dân cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết 27 không xác định quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Điểu 4 Hiến pháp 2013 đã nêu: quyền lự Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân. Do vậy, không thể định nghĩa rạch ròi thế nào là hành pháp, lập pháp, tư pháp như các nước trên thế giới. Vấn đề quan trọng là xác định nội dung cụ thể cho phù hợp và cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay và nếu đưa nội hàm quyền tư pháp vào dự án Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi), có sửa Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ để xác lập hai quyền này không? Có cơ sở khoa học chính trị, căn cứ pháp lý để xác lập quyền này không?

“Nếu đưa một định nghĩa mang tính học thuật nhiều hơn vào luật cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi đưa định nghĩa quyền lập pháp vào dự án Luật này, vấn đề đặt ra có sửa Luật Tổ chức Quốc hội và sửa Luật Tổ chức Chính phủ để xác lập thế nào là quyền lập pháp và quyền hành pháp không? Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật là ở chỗ đấy, chứ không phải là đồng ý hay không đồng ý đưa khái niệm này vào dự án luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80258