Cần quan tâm hơn các doanh nghiệp xây lắp
Là nhà tổng thầu EPC chuyên nghiệp nhất Việt Nam, Tổng Công ty Lắp máy VN (Lilama) đã huy động tối đa lực lượng kỹ sư, công nhân, thiết bị hiện đại triển khai quyết liệt dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.
Là nhà tổng thầu EPC chuyên nghiệp nhất Việt Nam, Tổng Công ty Lắp máy VN (Lilama) đã huy động tối đa lực lượng kỹ sư, công nhân, thiết bị hiện đại triển khai quyết liệt dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ với chất lượng cao.
Tuy nhiên, sau 8 năm vận hành ổn định, chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí VN đã bán điện thu tiền nhưng vẫn chưa thanh toán số tiền hơn 1.400 tỷ đồng cho nhà thầu Lilama.
Trước đó, vào năm 2009 Lilama được chỉ định thầu xây dựng NM nhiệt điện than Vũng Áng 1 với 2 tổ máy tổng công suất thiết kế 1.200 MW, vốn đầu tư hơn 1,17 tỉ USD. Đây là nhà máy điện chạy than với quy mô lớn, công nghệ và kỹ thuật rất phức tạp, thời gian thi công nhanh. Tại dự án này, Lilama đã đẩy mạnh việc chế tạo nhiều thiết bị cơ khí tinh xảo, chất lượng không thua kém nước ngoài, tiết kiệm nhiều ngoại tệ cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án, kinh tế trong và ngoài nước biến động lớn, đơn giá nhân công, giá nhiên liệu than tăng hơn 2 lần, dầu FO tăng 2,3 lần... Vì vậy, chủ đầu tư và nhà thầu đã cùng kiến nghị lên Chính phủ đề nghị được điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, phần chi phí phát sinh chưa lường hết.
Theo đó, PVN đã phê duyệt tổng mức đầu tư lần 2, lên 33.576 tỉ đồng (tức là tăng trên 13.580 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu). Tuy nhiên, PVN cho rằng việc điều chỉnh giá hợp đồng EPC trọn gói là vượt thẩm quyền, nên đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, chấp thuận và giao PVN xử lý chi phí phát sinh chưa lường hết, trên cơ sở không vượt giá trị tương ứng mức tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2.
Vì vậy tại Lễ khánh thành NM nhiệt điện Sông Hậu 1 cuối năm 2022, trước sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Lê Văn Tuấn, TGĐ Lilama đã phải công khai cầu cứu Thủ tướng can thiệp, giải quyết. Ngay sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn tất các công việc để thanh quyết toán dự án này.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Tập đoàn Dầu khí VN, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước đã họp nhiều lần và thống nhất số tiền phát sinh không lường trước của dự án 1.400 tỷ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa dám chi trả cho Lilama vì vượt quá thẩm quyền của họ mà phải trình lên Thủ tướng quyết.
Đến nay, dự án đã vận hành hết thời hạn bảo hành nhưng vẫn chưa quyết toán. PVN đã cùng Lilama nhiều lần hội họp, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, mong muốn Chính phủ nhanh chóng phê duyệt và chấp thuận chi phí phát sinh chưa lường trước để thanh toán tiền cho Lilama. Dự án để lâu chưa quyết toán, không chỉ gây khó khăn cho Lilama và mang tiếng chây ì, không muốn trả cho cả chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Việc chậm thanh toán 1.400 tỷ cho Lilama ảnh hưởng lớn tới việc thanh quyết toán giữa tổng thầu Lilama với các nhà thầu phụ. Nhiều nhà thầu phụ nước ngoài tham gia dự án đang khởi kiện Lilama ra trọng tài quốc tế do chậm thanh toán chi phí. Hơn nữa, khoản nợ của Lilama là quá lớn so với tài sản của Lilama. Vốn điều lệ của Lilama hiện chỉ gần 800 tỉ đồng. Vì vậy, Lilama đang gặp nhiều khó khăn về việc trả nợ lãi ngân hàng và trả lương cho người công nhân đang lao động vất vả trên các công trường, dự án…
Lilama hiện được coi là “ngôi sao sáng” mạnh dạn và tiên phong trong lĩnh vực làm tổng thầu EPC (phương thức chìa khóa trao tay) các dự án công nghiệp lớn, phức tạp và chế tạo cơ khí tại VN. Tỷ lệ nội địa hóa thiết bị tại nhiều dự án công nghiệp do Lilama làm tổng thầu lên đến hơn 30%. Bàn tay và khối óc của người lao động Lilama đã để lại hàng trăm công trình lớn nhỏ trên khắp đất nước, trong đó có 7 dự án triển khai theo hình thức tổng thầu EPC. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp chế tạo cơ khí để họ phát triển bởi tổng thầu EPC và chế tạo cơ khí là xương sống của nền kinh tế và mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, thúc đẩy các lĩnh vực cơ khí chế tạo, tự động hóa, cơ khí chính xác… phát triển, giúp doanh nghiệp có tích lũy, nâng cao trình độ quản lý, điều hành dự án và tay nghề cho kỹ sư và công nhân.
Trước mắt, cần can thiệp, giải quyết để quyết toán dự án NM nhiệt điện Vũng Áng 1, làm căn cứ để chủ đầu tư trả nợ nhà thầu Lilama số tiền hơn 1.400 tỷ đồng.