Cần sớm tháo gỡ nhiều điểm nghẽn khi lập quy hoạch tỉnh
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Đồng Nai đang lần đầu tiên thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, quá trình lập, thẩm định và phê duyệt “siêu quy hoạch” này đang có những điểm nghẽn cần được tháo gỡ sớm.
* Lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh
Luật Quy hoạch được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24-11-2017. Luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.
Ngày 14-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Sở KH-ĐT, trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định dự toán nhiệm vụ quy hoạch tỉnh cũng như duyệt dự toán lập nhiệm vụ quy hoạch tỉnh.
Theo UBND tỉnh, đối với quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 54 nội dung được nghiên cứu xây dựng đề xuất để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Tháng 5-2021, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự toán quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng dự toán kinh phí thực hiện hơn 75 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (nguồn vốn lập quy hoạch thuộc nguồn vốn đầu tư công).
Ngày 4-11-2021, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe 2 đơn vị là Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam và Công ty Roland Berger đề xuất việc lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại cuộc họp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, Đồng Nai đang tìm đối tác thực hiện quy hoạch tỉnh để phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế so sánh của mình. Để làm đươc điều này, Đồng Nai cần được tư vấn xây dựng mô hình phát triển bền vững trong tương lai, không chỉ giàu về kinh tế mà còn phải có điều kiện sống tốt nhất cho người dân. Những không gian tốt nhất cho cuộc sống của người dân phải được sử dụng để phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Chất lượng cuộc sống của người dân, sự hạnh phúc của người dân trong tương lai là rất quan trọng. Đồng thời, những tiềm năng của Đồng Nai phải được khai thác một cách hiệu quả nhất để phục vụ cho xã hội. “3 yêu cầu về lập quy hoạch mà tỉnh đề ra là giá trị về kinh tế, giá trị về phục vụ con người và khai thác tối đa hiệu quả các tiềm năng” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Ngày 15-11-2021, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo, xin chủ trương của Ban TVTU về việc thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hình thức xã hội hóa kinh phí lập quy hoạch tỉnh.
Tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận cho Công ty CP Công nghệ - viễn thông Sài Gòn là nhà tài trợ toàn bộ kinh phí lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo UBND tỉnh, hiện tỉnh đã phê duyệt hồ sơ yêu cầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chọn Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam làm đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai.
* Kiến nghị tháo gỡ các điểm vướng
Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Như vậy, đối với cấp tỉnh chỉ có quy hoạch tỉnh, các quy hoạch khác sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Việc tích hợp các quy hoạch khác vào quy hoạch chung kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ giúp xóa bỏ được nhiều quy hoạch chồng chéo, kém chất lượng. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù vậy, do là lần đầu tiên thực hiện nên quá trình lập, thẩm định quy hoạch tỉnh, Đồng Nai hiện đang gặp một số vướng mắc.
Theo UBND tỉnh, hiện nay, việc ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo pháp luật chuyên ngành chưa có sự đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch và nguyên tắc xây dựng các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội thông qua, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch tỉnh.
Cụ thể, đối với nội dung “phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện” trong quy hoạch tỉnh, theo quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch thì đây là một nội dung của quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì Sở TN-MT tổ chức phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh. Theo UBND tỉnh, quy định này gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai lập quy hoạch khi cơ quan tổ chức lập quy hoạch tỉnh phải thực hiện thêm quy trình, thủ tục trong quá trình lập quy hoạch tỉnh so với quy định của Luật Quy hoạch.
Cùng với đó, Đồng Nai đã phê duyệt dự toán lập quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật và không tách nhiệm vụ xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện như quy định tại Nghị định 148.
Như vậy, việc phân bổ và khoanh vùng đất đai sẽ bị vướng do quy định tại Nghị định 148. Theo UBND tỉnh, đây là nội dung cần được tháo gỡ để địa phương thống nhất tổ chức thực hiện.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu, tham mưu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021-2030, quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, bởi đây là những căn cứ quan trọng để tỉnh triển khai lập quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng đề nghị Bộ KH-ĐT hướng dẫn xác định các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành thuộc nhiệm vụ lập của cấp tỉnh do hiện nay chưa có quy định cụ thể xác định cấp có thẩm quyền được lập, phê duyệt đối với các quy hoạch này.