Cần tạo động lực mới thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

DNVN – Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế rất quan trọng, là trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản bậc nhất cả nước. Tuy nhiên, kinh tế ĐBSCL còn nhiều hạn chế, khó khăn. Vì thế, cần có giải pháp mạnh để thúc đẩy đầu tư phát triển bền vững.

Ngày 28/3 tại Tp Hồ Chí Minh, VCCI Việt Nam tổ chức Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024 và Diễn đàn chính sách thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững ĐBSCL.

Theo báo cáo của VCCI, ĐBSCL không chỉ là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản quan trọng của Việt Nam mà còn là một trong những vùng kinh tế có tiềm năng phát triển đặc biệt quan trọng. Vùng này hiện đóng góp gần 18% GDP cả nước, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và 60% sản lượng thủy sản, góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, năm 2024, GRDP của ĐBSCL tăng trưởng 7,3%, cao hơn mức trung bình cả nước, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 28 tỷ USD, cho thấy sự phục hồi và bứt phá mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc VCCI ĐBSCL nêu thực trạng và thách thức trong đầu tư vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc VCCI ĐBSCL nêu thực trạng và thách thức trong đầu tư vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như nguồn vốn đầu tư trong vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ lệ vốn đầu tư công chiếm chưa đến 10% tổng đầu tư cả nước; đầu tư tư nhân và FDI vẫn còn hạn chế. ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với tình trạng xâm nhập mặn, sụt lún đất, sạt lở bờ sông và thiếu hụt nguồn nước ngọt; hệ thống hạ tầng giao thông và logistics chưa đồng bộ, làm gia tăng chi phí vận chuyển và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong vùng.

Theo VCCI, những thách thức này không chỉ là rào cản mà còn là cơ hội để cùng tìm ra những giải pháp đột phá, giúp ĐBSCL phát triển bền vững và nâng cao vị thế trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, trong bối cảnh cả nước đang phát triển nhanh chóng, các địa phương đang cải cách, cải thiện môi trường và điều kiện kinh doanh thì ĐBSCL chưa kịp bắt nhịp. Thấy rõ nhất là về cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chậm chuyển đổi cơ cấu, thu hút đầu tư kém, doanh nghiệp chậm phát triển cả về số lượng và năng lực, vùng thiếu cơ hội việc làm cho người lao động, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn yếu.

Để ĐBSCL có thể bứt phá và phát triển bền vững, cần một chiến lược rõ ràng, tập trung vào một số ưu tiên quan trọng. Trước hết, cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng giao thông, logistics và năng lượng tái tạo. Việc phát triển hệ thống cao tốc kết nối nội vùng và liên kết với TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó, việc xây dựng cảng biển nước sâu và hệ thống kho vận hiện đại sẽ giúp nâng cao năng lực xuất khẩu của vùng.

Có giải pháp thu hút mạnh đầu tư tư nhân và FDI vào các ngành công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi mô hình kinh tế từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và ứng dụng công nghệ số vào quản lý chuỗi cung ứng.

Đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác công - tư. ĐBSCL không thể phát triển đơn lẻ mà cần có sự kết nối chặt chẽ với các trung tâm kinh tế lớn như thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ để tận dụng lợi thế về thị trường, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, có chiến lược tổng thể về quản lý tài nguyên nước, ứng phó với xâm nhập mặn và bảo vệ đa dạng sinh học. Đồng thời, cần khuyến khích mô hình kinh tế xanh, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo và thúc đẩy sản xuất bền vững.

Hòa Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/can-tao-dong-luc-moi-thuc-day-dong-bang-song-cuu-long-phat-trien-ben-vung/20250328104020521