Cần thiết phải có Luật Nhà giáo

Những ngày qua, câu chuyện chứng chỉ hành nghề nhà giáo được dư luận quan tâm.

Chứng chỉ hành nghề nhà giáo được kỳ vọng sẽ nâng cao vị thế giáo viên. Ảnh: Quang Vinh.

Chứng chỉ hành nghề nhà giáo được kỳ vọng sẽ nâng cao vị thế giáo viên. Ảnh: Quang Vinh.

Trước những băn khoăn về việc liệu yêu cầu chứng chỉ hành nghề với nhà giáo có phải một loại giấy phép con? Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GDĐT) cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực. Theo đó, những nhà giáo này đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Mặt khác, nhà giáo đã nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Đại diện Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo chia sẻ, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và một số ngành/lĩnh vực, Ban soạn thảo đề xuất và dự kiến chứng chỉ hành nghề cơ bản sẽ có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần thực hiện lại chế độ tập sự. Đồng thời, việc có chứng chỉ hành nghề sẽ giảm được thủ tục cho nhà giáo khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường.

Ban soạn thảo dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Chứng chỉ hành nghề bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp việc trao đổi nhà giáo giữa các nước thuận tiện, nhất là kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Quan tâm tới vấn đề này, nhiều chuyên gia có chung quan điểm: Phải có nội dung về đạo đức nghề nghiệp thì mới ra được Luật Nhà giáo. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không phải ngẫu nhiên nhà giáo được xã hội tôn vinh. Do vậy, nhà giáo muốn hành nghề phải có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo vừa là tôn vinh, trách nhiệm và tạo nên vị thế của nhà giáo.

PGS.TS Lê Thái Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc đưa ra quy định bắt buộc về cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ là một thay đổi căn bản góp phần đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên, về cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Đồng tình với ý kiến cần phải có chứng chỉ hành nghề nhà giáo, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, trên thế giới, một lĩnh vực nào đó trở thành một nghề thì đó là bước chuyển rất quan trọng cho một khái niệm. Để một việc làm trở thành một nghề thì đội ngũ phải có bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp, phải có chứng chỉ hành nghề và có tổ chức nghề nghiệp. Khi công bố dạy học là một nghề thì đương nhiên sẽ đẩy vị thế của việc dạy học đi lên và buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề.

“Điều này khẳng định nghề giáo không phải là một hoạt động nghiệp dư nữa mà là một hoạt động chuyên nghiệp và giáo viên trở thành một nhà giáo chuyên nghiệp” - ông Tiến nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia, chứng chỉ hành nghề gắn với đạo đức nghề nghiệp không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn bảo vệ quyền lợi của người học bằng cách đảm bảo họ được giáo dục bởi những người có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-thiet-phai-co-luat-nha-giao-10280697.html