Cẩn trọng với xét tuyển bổ sung
Các trường đại học (ĐH) đã công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường đợt 1 năm 2023, trong số đó nhiều trường cho biết sẽ xét tuyển bổ sung.
Nhiều ngành điểm cao bất ngờ, có ngành giảm sâu
Một trong những bất ngờ của mùa tuyển sinh ĐH năm 2013 là ngành Sư phạm Lịch sử. Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn ngành này 28,42 điểm trong khi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng ghi nhận vị trí đầu bảng là ngành Sư phạm Lịch sử với 28,58 điểm. Trường ĐH Sư Phạm - ĐH Thái Nguyên công bố mức điểm cao nhất theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 là Sư phạm Lịch sử với 28 điểm cho cả 3 khối dự tuyển gồm C00, C19 và D14.
Nhìn chung, các ngành sư phạm đều có điểm chuẩn tăng. Tại Trường ĐH Vinh, điểm chuẩn tất cả các ngành đều tăng so với năm 2022, như ngành Sư phạm Sinh học từ 19 lên 23,55 điểm, Sư phạm Lịch sử từ 25,75 lên 28,12 điểm…
Cũng gây bất ngờ như mùa tuyển sinh 2022 nhưng ở chiều ngược lại, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM vừa công bố điểm chuẩn 2023 hầu hết các ngành đều tăng sốc. Trong đó, điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT dao động từ 17-25,65, tăng từ 2-8 điểm so với năm 2022. Đặc biệt, ngành Cơ khí ô tô, Cơ điện tử ô tô lấy 25,5 điểm, tăng 10,5 điểm so với mức 15 điểm mùa trước.
Theo đại diện Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, lý do điểm chuẩn tăng vọt là vì điểm thi của thí sinh năm nay tốt hơn, học phí của trường thấp và nhiều năm không tăng. Ngoài ra, các dự án giao thông vận tải lớn của quốc gia như đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cảng biển, năng lượng tái tạo đang được đầu tư, triển khai nên cũng phần nào thu hút thí sinh. Trước đó, năm 2022 trường cũng gây bất ngờ khi điểm chuẩn giảm sốc do chỉ tiêu tăng mạnh từ 1.610 thí sinh năm 2021 lên hơn 5.000.
Trong khi đó, một số nhóm ngành điểm chuẩn giảm so với năm 2022, như nhóm ngành kinh tế, khoa học xã hội… Ghi nhận tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), năm 2023 không có ngành nào có điểm chuẩn trên 29 như năm 2022. Với khối C00, nhiều ngành giảm mạnh như Hàn Quốc học, Khoa học quản lý… Theo các chuyên gia, lý do giảm nhiệt ở các ngành như Hàn Quốc học, Báo chí… là vì phổ điểm thi khối C giảm và việc áp dụng điểm ưu tiên càng lên cao càng giảm dần.
Rộng cửa xét tuyển bổ sung
Sau khi công bố điểm chuẩn, các trường ĐH sẽ công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung theo các phương thức. Học viện Hàng không thông báo xét tuyển bổ sung cho 6 ngành đào tạo Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh – Tiếng Anh, Công nghệ Thông tin, Công nghệ Kỹ thuật công trình xây dựng,… Tổng chỉ tiêu cho tất cả các ngành là 560. Phương thức tuyển sinh bao gồm xét học bạ, xét điểm thi THPT năm 2023 và xét điểm đánh giá năng lực ĐH Quốc gia năm 2023.
Trường ĐH FPT công bố tuyển sinh bổ sung 1.900 chỉ tiêu các ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn quốc ở Hà Nội và các phân hiệu TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Hạn cuối đăng ký nhập học đợt bổ sung cho các thí sinh là ngày 6/9. Thời hạn này có thể kết thúc sớm nếu trường đã tuyển đủ chỉ tiêu năm 2023.
Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển ĐH chính quy đợt bổ sung năm 2023 hơn 400 chỉ tiêu. Trong đó ngành có số chỉ tiêu xét tuyển bổ sung 2023 nhiều nhất là Quản trị Kinh doanh với 152 chỉ tiêu.
Trường ĐH Công thương TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung năm 2023 cho 10 ngành đào tạo với điểm nhận hồ sơ từ 16 trở lên gồm Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Công nghệ chế biến thủy sản, Công nghệ dệt, may…
Trường ĐH Tôn Đức Thắng dự kiến tuyển sinh bổ sung đợt 2 (nhận hồ sơ đến ngày 13/9) cho một số ngành như Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Bảo hộ lao động, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, quản lý xây dựng…
Trường ĐH Công nghệ TPHCM sẽ xét tuyển bổ sung theo phương thức xét tuyển học bạ với tất cả các ngành (xét tuyển học bạ 3 học kỳ và xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn) từ nay đến 17h ngày 10/9.
Với nhiều thí sinh, xét tuyển bổ sung là thêm cơ hội để trúng tuyển vào ĐH còn với các trường đây cũng xem như là đợt “vét” để tuyển đủ chỉ tiêu. Dẫu vậy, do chỉ tiêu không còn nhiều và không phải trường nào cũng tiếp tục xét tuyển nên thí sinh cần cẩn trọng cân nhắc để tiếp tục xét tuyển bổ sung hay không, sắp xếp nguyện vọng xét tuyển thế nào, nhất là với những thí sinh đã trúng tuyển ĐH đợt 1 nhưng vì những lý do khác nhau chưa muốn nhập học ngay.
Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về các ngành, các trường thông báo tuyển bổ sung với chỉ tiêu cụ thể của từng ngành là bao nhiêu. Cần lưu ý, sẽ có những trường đã tuyển đủ đợt 1 nhưng sau khi kết thúc thời gian nhập học thực tế của thí sinh có thể cũng sẽ thông báo xét tiếp. Dẫu vậy, từ kinh nghiệm những năm trước, những ngành thu hút thí sinh hầu như đã tuyển đủ. Một lưu ý quan trọng đó là thí sinh phải xem điểm trúng tuyển đợt 1 của ngành mình định xét là bao nhiêu. Nếu điểm của thí sinh thấp hơn mức điểm đó thì tuyệt đối không được nộp hồ sơ, vì theo quy định, điểm xét tuyển đợt bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-trong-voi-xet-tuyen-bo-sung-5726670.html