Cân tự động trị xe quá tải

Cân tự động không chỉ giúp khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông, tạo sự công bằng mà còn nâng cao ý thức chấp hành quy định của chủ phương tiện, tài xế...

Sau 6 tháng thí điểm cân tự động để "phạt nguội" xe chở quá tải (tháng 12-2023 đến cuối tháng 5-2024), theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, số vụ vi phạm giảm gần 91% so với cùng kỳ.

Nhân lực giảm, hiệu quả tăng

Tại trạm cân cầu Ông Lớn trên đường Nguyễn Văn Linh hướng từ quận 7 về huyện Bình Chánh, hầu như từ 10 giờ đến 14 giờ mỗi ngày, nhiều ô tô tải nối đuôi qua giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, kéo dài đến giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50.

Trạm cân này không còn bóng dáng lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra xe chở quá tải trọng như 7 tháng trước.

Thay vào đó, dữ liệu từ cân tự động được truyền về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống cân tải trọng tự động), sau đó chuyển về Thanh tra Sở GTVT xác minh. Chủ phương tiện vi phạm sẽ được gửi thư mời đến trụ sở làm việc và nhận quyết định xử lý.

Tương tự, tại trạm cân đặt ở trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1, quận Bình Tân, phương tiện qua lại đông đúc cả ngày lẫn đêm. Trước đây, để tránh ùn tắc, lực lượng Thanh tra Giao thông chỉ có thể xử lý từ 22 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau dù trạm cân hoạt động 24/24 giờ. Do đó, ban ngày, nhiều xe có dấu hiệu chở quá tải vẫn cố tình đi qua và "lọt". Từ tháng 12-2023, khi cân tự động được triển khai thì tình trạng chở nặng, chở cồng kềnh giảm hẳn.

Ông Phan Minh Hải - Đội phó Đội Thanh tra Giao thông số 8, phụ trách xử lý vi phạm tại trạm này - thông tin qua 6 tháng thí điểm cân tự động "phạt nguội" phương tiện chở quá tải, số vụ vi phạm giảm sâu bởi kết quả cân được cập nhật 24/24 giờ. Nhiều chủ phương tiện cũng nhận thức rõ nên không dám chở hàng "lặc lè" như trước.

Khách quan, công bằng

Chia sẻ về kết quả thí điểm cân tự động, ông Trần Văn Thường, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM, nói qua 6 tháng triển khai, thanh tra sở tiếp nhận 3.125 phiếu cân từ 3 trạm cân thí điểm là trạm cầu Ông Lớn (đường Nguyễn Văn Linh), trạm thu phí An Sương - An Lạc (hướng về An Lạc) và trạm thu phí An Sương - An Lạc (hướng về An Sương). Qua đó, ban hành 660 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 15,6 tỉ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 113 trường hợp và tước phù hiệu 337 trường hợp.

Song song đó, thanh tra sở gửi thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam danh sách 1.827 lượt phương tiện vi phạm để đưa vào diện cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định. So với cùng kỳ khi chưa triển khai thí điểm, số trường hợp vi phạm ghi nhận thông qua thiết bị cân chỉ có 3.124 trường hợp, giảm 31.514 trường hợp (giảm gần 91%).

Theo ông Thường, việc triển khai thí điểm cân tự động để "phạt nguội" đã phát huy hiệu quả bước đầu trong xử lý xe quá tải. Điều này không chỉ bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công bằng trong xử lý vi phạm hành chính mà còn tạo sức răn đe, khắc phục tình trạng ùn ứ, mất an toàn giao thông do dừng nhiều phương tiện để kiểm tra.

Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn như Cục Đăng kiểm chưa cập nhật kịp thời dữ liệu của các phương tiện sau khi hoán cải, còn dữ liệu cũ trên hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống camera không nhận diện được người điều khiển phương tiện khi qua trạm cân dẫn đến một số trường hợp chủ xe tự nhận là người điều khiển phương tiện để né bớt lỗi phạt nhưng không có cơ sở xác minh; hoặc lái xe cố tình né trạm cân khi lưu thông vào phần đường hỗn hợp, đường nhánh…

Cân tự động được đặt tại trạm thu phí An Sương - An Lạc

Cân tự động được đặt tại trạm thu phí An Sương - An Lạc

Đề xuất nhân rộng

Để cân tự động "phạt nguội" phát huy hiệu quả cao hơn, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM cho biết đơn vị đã kiến nghị Sở GTVT tăng cường lắp camera chất lượng cao để nhận diện rõ người điều khiển phương tiện, ngoài ra kiến nghị UBND TP HCM nhân rộng thêm các trạm cân tự động khác trong năm 2024.

Riêng Cục Đăng kiểm cần cập nhật kịp thời dữ liệu của các phương tiện sau khi được hoán cải cũng như địa chỉ chủ phương tiện cần ghi đầy đủ thông tin. Song song đó kiến nghị Công an TP chỉ đạo lực lượng theo dõi, điều tra, xử lý nghiêm bất cứ ai cò mồi, bảo kê, hướng dẫn xe quá tải cố tình né trạm kiểm tra tải trọng dưới nhiều hình thức…

Đồng tình với đề xuất sớm mở rộng hệ thống cân tự động, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, nhận xét thời gian qua khi TP áp dụng việc "phạt nguội" thông qua cân tự động, nhiều doanh nghiệp, chủ xe đã ý thức chấp hành quy định hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những phương tiện chở hàng quá tải, cố tình lách luật bằng nhiều cách nhằm kéo giá cước vận tải đi xuống, tạo ra sự cạnh tranh không sòng phẳng với các phương tiện chở đúng tải.

"Do đó, việc mở rộng các trạm cân tự động trên nhiều tuyến đường là cần thiết, nhất là các tuyến quốc lộ, đường ra vào cảng, cửa ngõ TP để nâng cao hiệu quả. Qua đó, phương tiện chở quá tải có thể né trạm này nhưng không thể né trạm khác, dần dần sẽ dẹp được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh" - ông Quản nói.

Quy trình khoa học, nhanh chóng

Hệ thống cân tự động có thiết bị cảm biến đặt dưới đường, camera tự động chụp biển số xe, đọc thông tin như tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng... Hệ thống sẽ tự động tính toán xe có vi phạm tải trọng không, mức độ thế nào.

Hằng ngày, người của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP HCM truy cập hệ thống kiểm soát tải trọng xe tìm kiếm, trích xuất phiếu cân những xe vượt quá tải trọng, mức vi phạm và chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt cho Thanh tra Sở GTVT.

Khi nhận được hồ sơ, Thanh tra Sở GTVT xác minh thông tin, lập hồ sơ xử lý và gửi thông báo đến chủ xe. Nếu quá thời hạn giải quyết mà chủ xe chưa đến, đơn vị xử lý gửi thông báo tới cơ quan đăng kiểm đưa vào diện cảnh báo liên quan vi phạm hành chính.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-tu-dong-tri-xe-qua-tai-196240603191601276.htm