'Cần xây dựng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mạnh của dân tộc'

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng cần xây dựng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa vững mạnh và tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.

 Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong những năm tới, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều cơ hội để đi tắt, đón đầu, phát triển đột phá. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong những năm tới, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều cơ hội để đi tắt, đón đầu, phát triển đột phá. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Chiều 26/3, tại Quảng Ninh, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn tham dự hội thảo "Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất ôtô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt" do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Còn nhiều hạn chế

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng đánh giá ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có những bước tiến tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng đủ nhu cầu linh kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, một số ngành đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, như sản xuất xe máy với mức 60-70%, thậm chí lên tới 90%. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ nội địa hóa nhiều sản phẩm còn thấp, phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu và linh kiện nhập khẩu...

Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp trong nước chiếm tới 2/3 số cơ sở sản xuất và sử dụng 60% lực lượng lao động, nhưng lại chỉ nắm giữ chưa đầy 10% tổng vốn đầu tư.

Dẫu vậy, Phó thủ tướng cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước cơ hội phát triển đột phá nhờ các chính sách lớn như Nghị quyết 29 (2022), Nghị quyết 23 (2018), Nghị quyết 57 (2024) của Bộ Chính trị, cùng với Đề án phát triển kinh tế tư nhân sắp tới.

Ngoài ra, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế quốc tế và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu khi đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) và tiếp tục đàm phán các FTA thế hệ mới.

Quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đã định hướng tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp, sản xuất ôtô, công nghiệp hỗ trợ, thương mại và logistics với lợi thế lớn về không gian kinh tế và hệ thống giao thông kết nối.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã hình thành 6/8 cụm công nghiệp và quy hoạch thêm 12/28 cụm công nghiệp gắn với lĩnh vực cơ khí.

Cần có chính sách đột phá

Từ những lợi thế này, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, Phó thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách đột phá về thuế, đất đai, tín dụng, cùng với các giải pháp thu hút đầu tư và nâng cao năng lực doanh nghiệp nội địa.

Đặc biệt, ông cho rằng cần nâng cao năng lực mọi mặt của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hướng đến xây dựng các doanh nghiệp mạnh của dân tộc. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp và chuỗi cung ứng nội địa vững chắc, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ.

 Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng cần nâng cao năng lực mọi mặt của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hướng đến xây dựng các doanh nghiệp mạnh của dân tộc. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng cần nâng cao năng lực mọi mặt của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hướng đến xây dựng các doanh nghiệp mạnh của dân tộc. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong chuỗi sản xuất và cung ứng. Quy hoạch và đào tạo nguồn nhân lực cần đón đầu xu hướng, gắn với thực tiễn doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong "kỷ nguyên mới".

Ông cũng khuyến khích hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực gắn với công nghiệp hỗ trợ. Các chương trình, dự án công nghiệp hỗ trợ phải có sản phẩm cụ thể, mang tính lan tỏa cao, đồng thời cần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 để định hướng hiệu quả hơn cho giai đoạn tiếp theo.

Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tích cực tham mưu về chính sách, lĩnh vực, sản phẩm và đối tác cụ thể, nhằm tranh thủ cơ hội hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ông cũng nhấn mạnh việc triển khai mạnh mẽ "ngoại giao công nghệ" và "ngoại giao tập đoàn" để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực và đổi mới sáng tạo không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, Phó thủ tướng tin rằng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/can-xay-dung-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-manh-cua-dan-toc-post1541079.html