Cần xét nghiệm máu tầm soát bệnh đái tháo đường

Theo báo cáo của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế, năm 2019, trên toàn cầu có khoảng 463 triệu người từ 20 đến 79 tuổi mắc bệnh đái tháo đường. Dự kiến đến năm 2030, sẽ có khoảng 578 triệu người và đến năm 2045 là 700 triệu người mắc.

Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi. Vấn đề cần lưu ý là 70% trường hợp đái tháo đường tuýp 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường luyện tập thể dục. Theo phân loại, đái tháo đường có 4 loại: Đái tháo đường tuýp 1 (do tế bào tụy bị phá hủy, cơ thể thiếu insulin); đái tháo đường tuýp 2 (do giảm chức năng tế bào tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin); đái tháo đường thai kỳ; đái tháo đường do nguyên nhân sử dụng thuốc, hóa chất, sau cấy ghép mô.

Cán bộ y tế khám cho bệnh nhân mắc đái tháo đường tại một trạm y tế ở thị xã Ninh Hòa.

Cán bộ y tế khám cho bệnh nhân mắc đái tháo đường tại một trạm y tế ở thị xã Ninh Hòa.

Để chẩn đoán có mắc bệnh đái tháo đường hay không cần xét nghiệm máu. Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ để lấy máu; nếu glucose huyết tương lúc đói ≥ 126mg/dL (hay 7mmol/L) sẽ được chẩn đoán mắc đái tháo đường. Ngoài ra, có thể có những tiêu chí xét nghiệm khác tùy theo chỉ định của bác sĩ. Chẩn đoán tiền đái tháo đường khi tăng glucose máu lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) đến 125mg/dL (6,9mmol/L) hoặc các xét nghiệm khác do bác sĩ chỉ định. Đái tháo đường ở người lớn thường không có triệu chứng, biểu hiện.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau cần xét nghiệm máu tầm soát phát hiện đái tháo đường: Có người thân, gồm: Bố, mẹ, anh, chị, em ruột, con đẻ mắc bệnh đái tháo đường; có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch, tăng huyết áp (HA ≥ 140/90mgHg hoặc đang điều trị tăng huyết áp); có xét nghiệm mỡ máu HDL cholesterol < 35mg/dL (0,9mmol/L) và triglyceride > 250mg/dL (2,8mmol/L); phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, người ít hoạt động thể lực. Đối với những phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, cần được theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất 3 năm/lần.

Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên nên được xét nghiệm tầm soát đái tháo đường. Nếu kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1 - 3 năm hoặc ngắn hơn tùy theo các yếu tố nguy cơ. Nếu xét nghiệm chẩn đoán tiền đái tháo đường thì cần kiểm tra đường máu hàng năm, tích cực điều chỉnh lối sống để cải thiện đường máu. Nếu người mắc bệnh đái tháo đường mà chưa có yếu tố nguy cơ, chưa có tổn thương tim mạch, thận thì được đánh giá mức nguy cơ trung bình. Nếu bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường từ 10 năm trở lên và kèm một yếu tố nguy cơ thì đánh giá ở mức nguy cơ cao. Nếu bệnh nhân đái tháo đường có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch hoặc có tổn thương suy tim, suy thận thì đánh giá nguy cơ rất cao. Tùy theo các yếu tố nguy cơ, bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường sẽ cân nhắc, lựa chọn thuốc phù hợp với bệnh nhân.

Cùng với đó, bệnh nhân đái tháo đường sẽ được bác sĩ tư vấn tập luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, bệnh nhân cần được tầm soát các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn lipit máu. Những bệnh nhân mắc đái tháo đường nên tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm.

QUẾ LÂM (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202311/can-xet-nghiem-mau-tam-soat-benh-dai-thao-duong-19a3c08/