Cần xử lý mạnh tay xe ô tô vi phạm tốc độ hơn trăm lần mỗi tháng

Qua trích suất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện kinh doanh vận tải trong tháng 6/2024 có 60 xe vi phạm tốc độ trên 1000km. Trong đó, xe của Phương Trang Futabuslines vi phạm nhiều nhất 140 lần.

Hàng chục xe vi phạm

Ngày 28/7, ông Đặng Nam Sơn, Phó Giám Sở Giao thông vận tải Tp. Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng, doanh nghiệp vận tải rà soát và báo cáo giải trình các trường hợp vi phạm tốc độ trong tháng 6.

Theo đó, qua trích suất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện kinh doanh vận tải trong tháng 6 năm 2024 trên phần mềm Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy rất nhiều phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải trên địa bàn vi phạm quy định về tốc độ.

Các phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1000 km trong tháng 6/2024.

Các phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1000 km trong tháng 6/2024.

Căn cứ danh sách của Cục đường Bộ Việt Nam gửi Sở Giao thông và Vận tải Tp. Đà Nẵng, có tổng cộng 60 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần trên 1000 km.

Trong đó, vi phạm nhiều nhất là xe mang BKS 51B30900, xe tuyến cố định, thuộc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang Futabuslines với 140 lần.

Tiếp theo là xe mang BKS 43B04659, cũng tuyến cố định thuộc Công ty TNHH Vận tải và dịch vụ Du lịch Quảng Hà vi phạm 107 lần.

Cũng trong danh sách này, doanh nghiệp có xe vi phạm nhiều lần như Công ty TNHH MTV Tâm Hồng Phúc, Công ty TNHH Tân Minh Hoàng, Công ty NTHH Hùng Kin…

Các xe này có từ 5 lần vi phạm tốc độ trên 1000km xe chạy )không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở xuống)

Để chấn chỉnh và xử lý vi phạm theo quy định tại điểm b, khoản 10, Điều 22 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Sở Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm quản lý phương tiện kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định.

Bộ phận theo dõi, quản lý về an toàn giao thông của các đơn vị này phải thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh lái xe chạy quá tốc độ, lái xe làm việc quá thời gian, đảm bảo việc truyền dẫn dữ liệu giám sát hành trình và camera khi phương tiện đang hoạt động theo quy định…

Cần xử lý mạnh tay

Liên quan vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, theo điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa hoặc xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Thiết bị này lưu trữ và truyền dẫn thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.

Hành khách đợi xe tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Hành khách đợi xe tại Bến xe Trung tâm Đà Nẵng.

Nghị định này cũng quy định không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô.

Do luật quy định đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị tước phù hiệu, biển hiệu của xe vi phạm tốc độ quá 5 lần/1.000km trong 1 tháng nên theo ông Cao, nhiều nhà xe đã lắp thêm thiết bị có thể tắt sóng của thiết bị giám sát hành trình nhằm thỏa sức chạy quá tốc độ, coi thường tính mạng hành khách.

Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), trường hợp không lắp thiết bị giám sát hành trình hoặc dù đã có gắn nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định, hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị trên ô tô thì tài xế sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Đồng thời, vị luật sư này cho rằng, tài xế đặc biệt là tài xế lái xe dịch vụ vi phạm tốc độ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Do đó, cơ quan chức năng cần mạnh tay với nạn vi phạm tốc độ hơn nữa.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-xu-ly-manh-tay-xe-o-to-vi-pham-toc-do-hon-tram-lan-moi-thang-204240728191110647.htm