Cao tốc thông, cảng biển mở, Hà Tĩnh còn thiếu gì để bứt phá logistics?

Cao tốc Bắc - Nam và cầu cảng số 3 Cảng quốc tế Lào - Việt đi vào hoạt động đang mở ra cơ hội lớn để Hà Tĩnh phát triển thành trung tâm logistics. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối sau cảng vẫn là điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ.

Cầu cảng số 3 vận hành, cảng Vũng Áng “dễ thở” hơn

Trước đây, mỗi khi hàng dăm, hàng than từ Lào ùn ùn đổ về Cảng quốc tế Lào - Việt, tình trạng quá tải lại xảy ra do năng lực bốc dỡ của hai bến cảng cũ có giới hạn. Năm 2024, sản lượng hàng hóa đạt khoảng 5 triệu tấn, nhưng nhiều thời điểm cảng rơi vào cảnh “kẹt cứng”, xe chở hàng phải nằm chờ ngoài đường.

Tàu hàng cập cảng Vũng Áng tiếp nhận gỗ dăm.

Tàu hàng cập cảng Vũng Áng tiếp nhận gỗ dăm.

Từ khi cầu cảng số 3 chính thức vận hành, luồng hàng đã thông suốt hơn hẳn. Xe vào cảng không còn bị ùn ứ, hàng hóa được làm thủ tục nhanh gọn. Chủ hàng chỉ cần gửi trước danh sách xe cùng các giấy tờ, đăng kiểm, cảng và lực lượng an ninh sẽ phối hợp kiểm tra, cho xe vào làm hàng.

Anh em lái xe chở dăm giờ đây chỉ việc lùi xe lên cầu dẫn, hệ thống thủy lực sẽ tự động đẩy thùng xe lên, xả hàng xuống phễu rồi qua băng tải đưa lên tàu. “Mỗi xe làm hàng giờ chỉ mất chừng 4 - 5 phút, nhanh hơn nhiều so với trước kia phải dùng xe ben, thủ công”, một cán bộ kỹ thuật cảng chia sẻ.

Thay đổi công nghệ bốc dỡ nên mỗi xe hàng chỉ mất 4 - 5 phút để đưa hàng lên tàu.

Thay đổi công nghệ bốc dỡ nên mỗi xe hàng chỉ mất 4 - 5 phút để đưa hàng lên tàu.

Theo ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, việc đưa bến số 3 vào hoạt động giúp tăng sản lượng thông quan, giảm thời gian chờ đợi, đặc biệt tạo điều kiện để tiếp nhận thêm nhiều nguồn hàng từ Lào, mở rộng thị phần xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ. “Nguồn hàng ổn định, luồng chạy thông suốt, doanh nghiệp cũng tự tin đưa hàng về cảng hơn”, ông Tùng nói.

Nút thắt sau cảng cần sớm gỡ

Dù hệ thống cảng biển đang được đầu tư mở rộng, tuyến cao tốc Bắc - Nam đã đưa vào khai thác, nhưng tuyến đường kết nối chính từ cảng ra bên ngoài là quốc lộ 12C lại đang quá tải, mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất trong khâu vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng hiện nay.

Bến cảng số 3 đưa vào hoạt động chia tải cho cảng Vũng Áng.

Bến cảng số 3 đưa vào hoạt động chia tải cho cảng Vũng Áng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng quốc tế Lào - Việt thẳng thắn: “Quốc lộ 12C hiện nay như cái cổ chai, hẹp quá, chỗ nào cũng chật. Trong khi các tỉnh khác họ đã mở 6 làn xe như cảng Nghi Sơn, thì mình chưa có vốn để mở gấp đôi. Nếu không đầu tư mở rộng, rất khó để khơi thông toàn bộ luồng hàng từ cảng ra cao tốc hay về các cửa khẩu”.

Ngoài ra, khu vực miền Trung không có hệ thống thủy nội địa mạnh như miền Nam, nơi mà tàu sông gánh tới 80% lượng hàng hóa. Vì vậy, Hà Tĩnh càng phải đầu tư mạnh vào đường bộ, đường sắt để bù lại. Nhất là trong tương lai gần, khi tuyến đường sắt Viêng Chăn - Mụ Giạ kết nối sang Vũng Áng hoàn thành, lượng hàng trung chuyển sẽ còn tăng mạnh.

Quốc lộ 12C chưa đáp ứng được năng lực lưu thông hàng hóa khi cảng Vũng Áng được nâng cấp.

Quốc lộ 12C chưa đáp ứng được năng lực lưu thông hàng hóa khi cảng Vũng Áng được nâng cấp.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, hiện Hà Tĩnh đã quy hoạch trung tâm logistics rộng 133ha, nằm sau cảng Vũng Áng, kết nối trực tiếp với tuyến quốc lộ 12C và nút giao cao tốc tại xã Kỳ Tân. Tuy nhiên, do hạ tầng chưa đồng bộ, đến nay chưa có nhà đầu tư lớn nào mạnh dạn vào làm quy mô lớn, chủ yếu mới chỉ đầu tư nhỏ lẻ.

Hà Vũ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/cao-toc-thong-cang-bien-mo-ha-tinh-con-thieu-gi-de-but-pha-logistics-192250710172946739.htm