Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép kết nối vận tải toàn cầu
Vừa qua, chỉ sau một tuần kể từ ngày đón nhận thành công tuyến dịch vụ ZSL/PELICAN do hãng tàu ZIM và MSC hợp tác khai thác, Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) tiếp tục đón chuyến tàu đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ PEARL do MSC - hãng tàu lớn nhất thế giới khai thác độc lập tại TCIT.
Hiện nay, MSC đang triển khai 9 tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp từ Việt Nam, trong đó TCIT vừa chính thức tiếp nhận 2 tuyến dịch vụ:
Tuyến ZSL/PELICAN mở ra hành lang vận tải tối ưu từ Việt Nam đến vùng Vịnh Hoa Kỳ, giảm thiểu các khâu trung chuyển, giúp tối ưu hóa thời gian giao hàng.

Chuyến tàu đầu tiên GreenVille thuộc tuyến dịch vụ Pearl của MSC tại TCIT.
Trong khi đó, tuyến PEARL (với hải trình TCIT - Hải Phòng - Nansha - Hong Kong - Yantian - Xiamen - Long Beach - Oakland), đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và bờ Tây Hoa Kỳ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường chiến lược này của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.
Đây là một bước tiến quan trọng giúp tăng cường kết nối trực tiếp giữa TCIT với các trung tâm thương mại lớn trên thế giới, phù hợp với chiến lược kết nối trực tiếp với các cặp cảng (1.900 kết nối) không qua cảng trung chuyển của hãng tàu MSC.
Chuyến tàu đầu tiên GREENVILLE thuộc tuyến dịch vụ PEARL do MSC khai thác tại TCIT có trọng tải 74.000 tấn, chiều dài 272 mét và sức chở lên đến 8.010 TEU. Đây là một phần trong đội tàu gồm 8 con tàu mẹ mà MSC triển khai, mỗi tàu có sức chở từ 8.000 đến 12.000 TEU.
Tuyến dịch vụ PEARL sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động của TCIT và các đối tác.
Bên cạnh đó, TCIT không chỉ là cửa ngõ kết nối trực tiếp với các tuyến hàng hải quốc tế, mà còn được tích hợp chặt chẽ với hệ thống cảng cạn (ICD) và depot tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, như cảng cạn Tân Cảng Long Bình, ICD Tân Cảng Sóng Thần, ICD Tân Cảng Nhơn Trạch.
Điều này giúp tăng cường mối liên kết giữa các khu công nghiệp, trung tâm sản xuất và hệ thống cảng biển, tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, giảm thiểu thời gian lưu kho và tăng cường tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng.
Chính thức gia nhập mạng lưới vận tải quốc tế toàn cầu của MSC đã mở ra nhiều cơ hội cho TCIT thúc đẩy hợp tác thương mại với các hãng tàu hàng đầu thế giới; không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa và giảm chi phí vận chuyển giúp hàng hóa Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trên thị trường Bắc Mỹ - một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất.
Hiện nay, TCIT đang tiếp nhận 10 tuyến dịch vụ quốc tế, kết nối trực tiếp Việt Nam với các thị trường trọng điểm gồm Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Bên cạnh vai trò là một nhà khai thác cảng container nước sâu và điểm trung chuyển quốc tế, TCIT sẽ phát triển thêm các giải pháp gia tăng kết nối TCIT với các khu vực hậu cảng, mở rộng các mảng kinh doanh hậu cần sau cảng, như Depot, ICD tại khu vực Cái Mép và các khu vực lân cận, nhằm cung cấp giải pháp logistics toàn diện và các dịch vụ giá trị gia tăng, đáp ứng tối ưu nhu cầu của các hãng tàu và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.