Căng sức phòng lửa, giữ rừng
Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng là rừng phòng hộ duy nhất của tỉnh Bình Dương, được ví như 'lá phổi xanh' đặc biệt để điều hòa khí hậu trên địa bàn và các địa phương lân cận. Hiện nay đang trong thời gian giao mùa, giữa mùa khô và mùa mưa, thế nhưng rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng vẫn liên tiếp đón những đợt nắng nóng gay gắt, cây lá khô héo đã làm gia tăng nguy cơ cháy rừng ở mức cao nhất.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy chữa cháy rừng cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
Canh rừng ngày đêm
Chịu ảnh hưởng 6 tháng mùa khô, rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng (xã Định Thành và xã Minh Hòa của huyện Dầu Tiếng) hiện vẫn đang trải qua cái nắng chói chang, đất trở lên khô cằn, cây cối bên trong khu rừng xác xơ. Đây là thời điểm khu rừng đứng trước nguy cơ xảy ra cháy cao, vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của lực lượng chức năng tỉnh và địa phương cũng luôn duy trì túc trực 24/24 giờ.
Thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn PCCCR tại rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, chúng tôi theo chân lực lượng liên ngành phối hợp giữa Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực huyện Dầu Tiếng, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, Hạt Kiểm lâm Dầu Tiếng, men theo “đường băng trắng” đi sâu vào bên trong khu rừng để thực hiện công tác tuần tra, khảo sát.
Bước vội qua khúc cua có đá gập ghềnh, Thiếu tá Nguyễn Ánh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát chữa cháy và CNCH khu vực Dầu Tiếng, chia sẻ tùy vào từng vị trí, điều kiện tình hình thực tế của thực bì trong rừng mà lực lượng chức năng thực hiện các băng cản lửa cho phù hợp. “Đường băng trắng” sẽ thực hiện phát quang thực bì, chất dễ cháy tạo thành ranh giới ngăn cháy lan, “đường băng xanh” thực hiện việc trồng, cải tạo loại thực vật dày, khó cháy giúp cản lửa, ngăn cháy lan. Qua khảo sát ghi nhận vào mùa khô năm nay, đơn vị chức năng tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng đã chủ động phát dọn tu bổ hơn 30km đường tuần tra rừng, gần 7km đường băng cản lửa.
Khu rừng đang đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng ở mức 5 (mức cực kỳ nguy hiểm), ông Lưu Tuấn Bằng, Phó trưởng phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, chia sẻ rừng phòng hộ đầu nguồn Núi Cậu Dầu Tiếng được quy hoạch rừng phòng hộ rất xung yếu, cần được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt. Toàn bộ phần rừng tự nhiên được tập trung tại khu vực xã Định Thành, có địa hình phức tạp, độ dốc cao, hệ thống đường tuần tra rừng còn ít, chưa thông suốt giữa các khoanh và tiểu khu. Ven rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, có các hộ dân sống xen canh, thường xuyên ra vào rừng; đặc biệt là du khách ghé thăm chùa Thái Sơn Núi Cậu du lịch, tham quan, vui chơi giải trí, cắm trại trong rừng. Cùng với đó, đa phần thực bì trong rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng chủ yếu là các loại cây dễ bén lửa, dễ cháy, như: Tre, trúc, cỏ đá… được tích lũy nhiều năm đã tiềm ẩn nguy cơ cao dễ xảy ra cháy.
“Hàng năm, Núi Cậu đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan chùa Thái Sơn, nơi tín ngưỡng, du lịch trải nghiệm, kết hợp vào rừng tổ chức ăn uống, đốt lửa, cắm trại. Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng có nhiều lối mòn khiến ai cũng có thể ra vào rừng, một số người dân mưu sinh bằng nghề đi rừng để nhặt củi khô, đốt lửa lấy mật ong, hay hút thuốc lá… đã làm gia tăng nguy cơ cháy. Chỉ một hành động nhỏ, thiếu sự cẩn trọng khi sử dụng lửa bên trong rừng cũng có thể gây cháy lan, do vậy lực lượng chức năng liên tục phát loa tuyên truyền cảnh báo không đốt lửa vào mùa khô trong và ven rừng tránh làm cháy, cháy lan; phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ rừng, an toàn PCCCR đặt tại các vị trí đông người qua lại. Mặt khác, lực lượng chức năng cũng đã đến gặp gỡ trực tiếp từng hộ dân, hộ kinh doanh xung quanh khu vực chùa Thái Sơn, bán đảo Tha La để tuyên truyền, ký cam kết thực hiện tốt công tác PCCCR”, ông Lưu Tuấn Bằng thông tin thêm.

Lực lượng chức năng phối hợp tuần tra xuyên rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng để thực hiện an toàn phòng cháy chữa cháy rừng
Sẵn sàng ứng phó
Càng đi sâu vào bên trong rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, địa hình càng dốc, hiểm trở, có những đoạn đường bị ngắt quãng, chia cắt và khó quan sát khiến công tác khảo sát trực tiếp của lực lượng chức năng đã phần nào bị hạn chế và gặp khó khăn. Thời điểm này, lực lượng chức năng đã yêu cầu cán bộ sử dụng thiết bị kiểm soát lửa tầm cao (Flycam) phục vụ hoạt động theo dõi, giám sát an toàn PCCCR từ trên cao.
Vừa bay thiết bị kiểm soát lửa tầm cao, cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, cho biết trước đây tại một số khu vực bên trong rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng khó tiếp cận bằng việc đi tuần tra thì đơn vị chức năng đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ đầu tư chốt trực, “tháp chòi canh lửa” tại các vị trí nằm trên cao nhằm thuận tiện cho việc quan sát bằng cách truyền thống và phải sử dụng cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm đi rừng lâu năm. Tuy vậy, vẫn còn hạn chế khi không thể kịp thời phát hiện ngọn lửa ngay từ thời điểm phát sinh ban đầu, kiểm soát được hướng gió, tốc độ gió; đây là một trong những điều kiện ngăn lửa, dập lửa từ sớm, từ xa rất cần thiết. Từ đó, đơn vị chức năng đã báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu ứng dụng công nghệ để trang bị thiết bị kiểm soát lửa tầm cao phục vụ công tác chuyên môn. Sau khi được trang bị, thiết bị này đã phát huy tối ưu nhiều tính năng để giảm sức người, rút ngắn thời gian về quá trình di chuyển tại các vị trí khó tiếp cận, địa hình phức tạp, mất an toàn cho các thành viên trong đoàn, tổ tuần tra. Thiết bị kiểm soát lửa tầm cao truyền dữ liệu hình ảnh về trung tâm điều khiển, cùng với tính năng phát hiện và phân tích hướng gió, tốc độ gió nên kể cả ban ngày, hay trong đêm tối thì lực lượng chức năng vẫn có thể nắm bắt, tính toán để lên phương án ứng phó ngăn chặn, dập tắt ngọn lửa một cách hiệu quả nhất.
Dừng chân nghỉ tạm tại chốt bảo vệ rừng sườn phía tây của Núi Cậu Dầu Tiếng, các thành viên trong đoàn không vội nghỉ mà nhanh chóng phân chia nhau đi khảo sát các phương tiện, công cụ chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”. Tại bồn, bể chứa nước có dung tích 10.000 lít đã được chứa đầy nước, các bình xịt, bình, can tiếp nước, bàn cào đập lửa… luôn ở trạng thái sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ.
Với sự cống hiến thầm lặng không ngại khó, ngại khổ của các đơn vị, lực lượng chức năng, địa phương trong bảo vệ, bảo đảm an toàn PCCCR tại rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, kết quả từ đầu năm đến nay, chưa xảy ra vụ cháy nào. Để bảo vệ khu rừng trước những mối nguy của “giặc lửa” thì rất cần sự chung tay, góp sức của đông đảo người dân, du khách trong nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCCR, bảo vệ “lá phổi xanh” Núi Cậu Dầu Tiếng.
Theo lực lượng chức năng, dù Núi Cậu nằm sát với hồ Dầu Tiếng, tuy nhiên “nước xa không thể cứu được lửa gần”, thậm chí có những địa hình đường dẫn xuống hồ không thể bảo đảm an toàn cho xe chữa cháy chuyên dụng đến hút nước phục vụ chữa cháy làm giảm đi tính hiệu quả trong công tác chữa cháy ở “thời gian vàng” những giây phút đầu tiên khi xảy ra cháy. Việc tích trữ nước trong các bể, bồn, bình xịt đeo vai là cực kỳ cần thiết tại nhiều vị trí. Ngoài ra, đơn vị chức năng đã trang bị xe bán tải kèm trang thiết bị, máy móc tăng áp kèm 400m ống dẫn nước để nhanh chóng, cơ động hơn phục vụ chữa cháy hiệu quả.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/cang-suc-phong-lua-giu-rung-a346637.html