Căng thẳng lo vật liệu cho đại dự án giao thông
Việc hàng chục dự án đường cao tốc quy mô lớn được triển khai cùng lúc đang khiến nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng tăng đột biến, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương.
Dồn toa
Vào thời điểm này, lo lắng lớn nhất của ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Phương Thành chính là việc phải có gấp hơn 300.000 m3 cát xây dựng phục vụ thi công Gói thầu XL02 (đoạn Km600+700 - Km624+228,79) Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Vũng Áng - Bùng.
Tại Gói thầu XL02 trị giá hơn 5.400 tỷ đồng này, đường găng tiến độ đang nằm ở hàng chục vị trí phải xử lý nền đất yếu có tổng chiều dài gần 5 km. Ngay sau khi Dự án thành phần Vũng Áng - Bùng khởi công ngày 1/1/2023, Phương Thành đã dồn một lượng lớn thiết bị và nhân lực vào công trường để vừa tổ chức thiết kế bản vẽ thi công, vừa tiến hành bóc hữu cơ trên toàn bộ công địa dài hơn 24 km.
“Chúng tôi đang rất cần cát xây dựng để thi công cọc cát và đắp gia tải trong vòng 1 - 2 tháng tới, bởi nếu không hoàn thành công tác quan trọng này trước tháng 9/2023 sẽ ảnh hưởng lớn tới mục tiêu hoàn thành gói thầu vào cuối tháng 10/2025”, ông Khôi cho biết.
Tại Quảng Bình, cát xây dựng không phải là vấn đề lớn, khi có tới 39 mỏ đã được địa phương cấp phép với trữ lượng lên tới khoảng 5,4 triệu m3. Tuy nhiên, tổng công suất khai thác tại các mỏ này chỉ ở mức 200.000 m3/năm, trong khi nhu cầu cát xây dựng cho toàn bộ Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 gồm các đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh lên tới gần 1 triệu m3 cát và được “nén” lại trong 7-8 tháng tới.
Không chỉ cát xây dựng, nhu cầu đối với hai loại vật liệu xây dựng thông thường khác là đất đắp đạt tiêu chuẩn và đá xây dựng - những loại vật liệu được ví như “máu” cho công tác thi công cao tốc tại khu vực Quảng Bình cũng rất lớn, trong đó đất đắp cần 6 triệu m3, đá xây dựng các loại cần 3 triệu m3.
Hiện Phương Thành và các đơn vị thi công cao tốc Bắc - Nam qua địa phận Quảng Bình đang chờ địa phương ký quyết định nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu đã được cấp phép hoặc chờ được giao mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.
Điều đáng lo ngại là, mặc dù đã nhận được chỉ đạo sát sao của Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ, nhưng việc giao mỏ vật liệu cho các nhà thầu vẫn gặp rất nhiều lúng túng, trong khi đến ngày 17/2/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nộp hồ sơ điều chỉnh tăng công suất để cung cấp vật liệu cho dự án.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sớm tìm đủ nguồn vật liệu đạt chuẩn và hợp pháp đang là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến sự thành bại của 12 dự án thành phần của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.
Sức ép đang nóng lên từng ngày, bởi tính đến ngày 22/2/2023, toàn bộ 25 gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã lựa chọn xong nhà thầu, trong đó chậm nhất là gói XL2 và XL3 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vừa ký hợp đồng ngày 19/2/2023.
Tính đến cuối tuần trước, đã có 4/25 gói thầu trình Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng khai thác mỏ vật liệu xây dựng; 2/25 gói thầu đã sơ bộ làm việc với chủ sở hữu đất khu vực mỏ.
Theo ông Lê Quyết Tiến, quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông - Vận tải), 10 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa cần khoảng 17,1 triệu m3 đá; 8,95 triệu m3 cát; khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp. Đối với 2 dự án thành phần đoạn từ TP. Cần Thơ đến Cà Mau cần 1,37 triệu m3 đá các loại; 1,7 triệu m3 đất đắp; 18,5 triệu m3 cát xây dựng.
Hiện các mỏ đá và đất đắp phục vụ 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa về cơ bản đáp ứng về trữ lượng, chất lượng, nhưng về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ tiến độ thi công.
Căng thẳng nhất hiện nay chính là nguồn cung cát xây dựng do hầu hết các mỏ cát sử dụng cho Dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công (61/80 mỏ). Theo Nghị quyết số 18/NQ-CP, chỉ có các mỏ cát, sỏi lòng sông được chọn phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tăng công suất khai thác 50% theo cơ chế đặc thù.
“Chúng tôi hy vọng các vấn đề liên quan đến 3 loại vật liệu thông thường nói trên sẽ sớm được tháo gỡ, chậm nhất là đầu quý II/2023, nếu không muốn xảy ra tình trạng thiếu hụt trên diện rộng khi toàn bộ 25 gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu thi công trên thực địa”, ông Tiến lo lắng.
Những điểm nóng
Theo đánh giá của Bộ GTVT, ngay cả khi được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù thì việc giải quyết bài toán nguồn cung vật liệu xây dựng cũng không dễ có lời giải cho cả chính quyền địa phương và các nhà thầu.
Triển khai Nghị quyết số 18/NQ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18/3/2022 hướng dẫn các địa phương về hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, các địa phương vẫn đang khá lúng túng trong việc triển khai do chưa rõ thủ tục thu hồi đất đối với các mỏ hay nhà thầu sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất.
Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì làm việc với Bộ GTVT và có Thông báo số 167/TB-BTNMT ngày 25/11/2022, theo đó “Đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án thuộc các hạng mục của Dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1, Điều 62, Luật Đất đai, các địa phương sẽ tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định, kinh phí được sử dụng từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của Dự án”.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn chưa rõ việc các mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường có thuộc hạng mục của dự án hay không, bởi theo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không bao gồm chi phí để thực hiện thu hồi đất đối với các mỏ vật liệu.
Bên cạnh đó, theo Luật Đất đai, đối với mỏ vật liệu xây dựng thông thường không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, mà sẽ thực hiện theo các hình thức như nhượng quyền sử dụng, thuê khai thác, hợp tác kinh doanh…
Một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, cơ quan này đang chỉ đạo các nhà thầu, chủ đầu tư cùng các địa phương từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có 10 dự án thành phần đi qua làm việc với người có đất, tổng hợp nhu cầu để xem phương án nào được đề xuất thực hiện nhiều nhất, lấy cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện. Tuy nhiên, dù thực hiện theo phương án này thì cũng cần sự hỗ trợ sát sao của chính quyền địa phương trong việc đàm phán để tránh trường hợp người có quyền sử dụng đất nâng giá, ép giá, gây khó khăn cho triển khai công trình.
Cần phải nói thêm rằng, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường không chỉ đang nóng lên tại Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, mà còn tại nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác.
Chỉ tính riêng 18 dự án nằm trong danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT, đã có tới 11 dự án đường cao tốc, trong đó có những công trình được triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025 và có độ “ngốn” vật liệu không kém cao tốc Bắc - Nam phía Đông như: Vành đai 4 TP. Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… Trong đó, những điểm nóng về vật liệu sẽ tập trung tại 3 điểm: Hà Nội, TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long, căng thẳng nhất là Hà Nội và TP.HCM - những địa phương gần như không sở hữu bất kỳ mỏ vật liệu xây dựng thông thường nào.
Tại Công văn số 741/VPCP - CN ngày 9/2/2023 gửi 27 tỉnh, thành phố có các dự án đường bộ cao tốc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu tổng rà soát các khu vực chưa cấp phép để cấp phép khai thác, nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác để phân bổ nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho các dự án trên địa bàn các tỉnh lân cận. Nguyên tắc phân bổ cho các dự án cần căn cứ nhu cầu và tiến độ triển khai từng dự án, theo nguyên tắc dự án nào khởi công trước thì ưu tiên phân bổ trước.
“Nếu không có sự điều phối tốt từ cấp có thẩm quyền thì nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh để giành nguồn vật liệu giữa các chủ đầu tư, nhà thầu là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Lê Quyết Tiến lưu ý.
Theo Nghị quyết số 18/NQ-CP, đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ và các cơ chế đặc thù sau:
Các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác: Trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị quyết số 43/2022/QH15, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cang-thang-lo-vat-lieu-cho-dai-du-an-giao-thong-d184429.html