Căng thẳng Mỹ - Trung giảm nhiệt, giá dầu tăng phiên thứ hai
Giá dầu châu Á tăng phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 22/4 nhờ tín hiệu về khả năng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang hướng tới một tuần giảm giá khoảng 2% trong bối cảnh lo ngại về tình trạng dư cung.

Giếng dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Khoảng 13 giờ 50 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 31 xu lên 66,85 USD/thùng. Song tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã giảm khoảng 1,7%. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 35 xu lên 63,12 USD/thùng. Giá dầu WTI đã giảm 2,4% trong tuần này.
Bà Anh Pham, nhà phân tích cấp cao tại LSEG, cho biết giá dầu tăng nhẹ trong phiên này do thị trường phản ứng với các dấu hiệu căng thẳng xung quanh thuế quan của Tổng thống Donald Trump giảm và khả năng thay đổi lập trường chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá dầu có xu hướng giảm do lo ngại về tình trạng dư cung từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+), vẫn hiện hữu, trong khi triển vọng nhu cầu vẫn không chắc chắn trong bối cảnh căng thẳng thương mại tiếp diễn. Đồng USD mạnh hơn cũng gây thêm áp lực lên giá dầu thô.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/4 cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang được tiến hành, bác bỏ tuyên bố trước đó của Trung Quốc rằng không có cuộc thảo luận nào diễn ra.
Trung Quốc đang xem xét miễn trừ thuế quan 125% đối với một số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ và đang yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp danh sách hàng hóa có thể đủ điều kiện. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc lo ngại về những hậu quả kinh tế từ cuộc chiến thương mại. Trước đó, Trung Quốc đã tăng thuế sau khi ông Trump công bố mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc.
Giá dầu đã giảm mạnh vào đầu tháng này sau khi các biện pháp thuế quan làm dấy lên lo ngại về nhu cầu toàn cầu và gây ra một đợt bán tháo trên thị trường tài chính.
Những lo ngại về nguồn cung dư thừa đang gia tăng. Hãng tin Reuters hồi đầu tuần đưa tin rằng một số thành viên OPEC+ đã đề xuất nhóm này đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 6/2025.
Các nhà phân tích tại JPMorgan Commodities Research lưu ý rằng nhu cầu dầu toàn cầu đã cải thiện trong tuần qua, chủ yếu do sự gia tăng tiêu thụ xăng ở Mỹ, trong khi nhu cầu sản phẩm chưng cất, như dầu diesel, tại nước này vẫn mạnh mẽ do thời tiết lạnh kéo dài sang tháng 4/2025.