Cảnh báo cúm mùa biến chứng ác tính
Hiện tại đang là thời điểm thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan
Ngày 5-2, Bộ Y tế phát đi cảnh báo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cúm. Động thái này được cho là rất cấp thiết khi mới đây đã có một trường hợp (diễn viên trẻ ở Đài Loan - Trung Quốc) tử vong vì nhiễm loại cúm mùa vốn thông thường.
Nhiều ca nhiễm nặng, thở máy
Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm, trong đó một trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Bệnh nhân là ông L.V.T. (58 tuổi, ở Tuyên Quang), có tiền sử tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn. Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở và tự điều trị trong 1 tuần. Tình trạng không cải thiện, ông nhập viện và được chẩn đoán nhiễm cúm A. Dù được điều trị nhưng bệnh nhân bị suy hô hấp nặng và phải đặt ống nội khí quản và chuyển viện. Bệnh nhân tổn thương phổi lan tỏa gần như toàn bộ hai bên. Hiện các chỉ số sinh tồn tạm ổn nhưng tình trạng sốc và nhiễm trùng vẫn rất nặng.
![Bệnh nhân nhiễm cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ươngẢnh: ĐẶNG THANH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_15_51408100/566ec57ffa31136f4a20.jpg)
Bệnh nhân nhiễm cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ươngẢnh: ĐẶNG THANH
Một trường hợp khác (62 tuổi, ở Quảng Ninh) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế địa phương 2 ngày và phải đặt ống nội khí quản. Sau khi có kết quả xét nghiệm cúm A dương tính, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Dù đã trải qua 2 tuần điều trị nhưng tiên lượng còn dè dặt.
Trong khi đó, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua liên tục tiếp nhận các ca bệnh nhiễm cúm A kèm các bệnh nền như phổi COPD, alzheimer…
Theo PGS-TS-BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh cúm vốn được coi là bệnh thông thường song có thể diễn biến nhanh ác tính, gây nguy hiểm. Năm 2024, trung tâm tiếp nhận hàng nghìn ca nhiễm cúm khám, nhập viện. Các biểu hiện bệnh lý phát triển rất nhanh, chỉ thời gian ngắn sau khi có ho, sốt, bệnh nhân đã bị suy hô hấp, vào viện trong tình trạng nhịp thở nhanh, ôxy máu giảm thấp đến 95%, phải thở máy, có trường hợp tử vong. Dù độc lực của virus cúm không thay đổi nhưng biến chứng viêm phổi do cúm có nguy cơ diễn biến ác tính nên đối tượng nguy cơ cao cần phải điều trị sớm. Với người trẻ bị cúm tử vong thấp hơn nhưng cũng không vì thế mà chủ quan. "Bệnh cúm do virus cúm gây ra, không phải là bệnh hiếm hay lạ nhưng gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh cúm là người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người già. Bình thường virus cúm này tác động trực tiếp lên hệ hô hấp. Ở những người có cơ địa miễn dịch tốt thì chỉ gây bệnh nhẹ, ví dụ ho sốt hắt hơi, ngạt mũi. Nặng hơn cúm gây viêm phế quản, viêm phổi, diễn biến rất nặng do bội nhiễm các vi khuẩn. Với người có bệnh nền, người già thì cúm rất dễ trở nặng" - ông Cường cảnh báo.
Những đối tượng cần cảnh giác cao độ
Bác sĩ Võ Đức Linh, Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thêm cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng với những bệnh nhân có bệnh lý COPD. Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh. Có những bệnh nhân nhập viện tình trạng suy hô hấp tăng rất nhanh chỉ trong 2-3 ngày, phải đặt ống nội khí quản trong thời gian ngắn. Do đó, người bệnh mắc bệnh COPD cần đi khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để điều chỉnh thuốc phù hợp.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên chủ quan bởi vì cúm chỉ ho hắt hơi, sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi đau mỏi người nhưng khi dấu hiệu nặng lên cần được dùng thuốc kháng kháng virus. Chẳng hạn khi có khó thở, với biểu hiện là nhịp thở nhanh người nhiễm cúm cần đến bệnh viện để được chụp, đánh giá về tim, phổi. Nếu suy hô hấp nặng cần được đặt nội khí quản thở máy bởi virus cúm có thể gây suy đa tạng, dẫn đến tử vong, nhất là người có hệ miễn dịch suy giảm.
Theo PGS-TS-BS Đỗ Duy Cường, hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các hiệp hội về tim mạch, hô hấp đều khuyến cáo người trên 60 tuổi, người có bệnh nền về hô hấp, tim mạch ung thư, các bệnh suy giảm miễn dịch, trẻ dưới 5 tuổi cần được tiêm vắc-xin cúm hằng năm. Các virus cúm thường gặp là cúm mùa, cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B. "Mùa đông - xuân hiện đang là virus cúm rất dễ bùng phát. Đồng thời, còn có thêm các bệnh sởi, thêm sự xuất hiện của virus HMPV với các triệu chứng ban đầu đều là sốt, ho nên cần được chẩn đoán đúng tác nhân để điều trị. Phụ nữ mang thai cần tiêm vắc-xin cúm trước khi có bầu" - ông Cường khuyến cáo.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng Khoa Y công cộng - Trường ĐH Y Dược TP HCM, nhận định tỉ lệ cúm ở Việt Nam thấp hơn so với các quốc gia có khí hậu lạnh nhờ vào nhiệt độ ổn định và ánh sáng mặt trời quanh năm. Có hai cơ chế lây cúm trong mùa lạnh. Thứ nhất, trong mùa lạnh, mọi người có xu hướng ở trong phòng kín làm tăng sự tiếp xúc gần gũi giữa các cá nhân và do đó tăng khả năng lây truyền bệnh. Thứ hai, không khí lạnh khiến các giọt nhỏ và hạt khí dung bay hơi chậm hơn làm chúng tồn tại lâu hơn trong không khí và tăng khả năng lây lan bệnh.
Có 4 nhóm người có nguy cơ cao mắc cúm mùa và cần chú ý phòng ngừa, gồm: Người có bệnh nền (suy tim, COPD, hen suyễn…); người suy giảm miễn dịch (ung thư đang điều trị hoặc những người mắc các bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch…); phụ nữ mang thai, trẻ em và người già và nhóm người tiếp xúc nhiều với môi trường có nguy cơ mắc bệnh (nhân viên y tế, bệnh nhân phải đi thẩm tách máu hoặc những người thường xuyên vào bệnh viện).
Theo ThS-BS Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng Đơn vị tiêm chủng - Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, triệu chứng nhiễm cúm trong 2 ngày đầu tiên có thể không có gì để nhận biết. Giai đoạn khởi phát từ ngày thứ 3, triệu chứng đột ngột xuất hiện bao gồm sốt nhẹ, nhức đầu, đau và mỏi cơ, ho khan, đau họng, nghẹt mũi. Giai đoạn toàn phát từ ngày 4, sốt cao và đau nhức cơ nhiều hơn, khàn tiếng, cảm giác khô hoặc đau họng, ho, tức ngực, cơ thể mệt mỏi hoặc kiệt sức. "Một số người có thể bội nhiễm vi khuẩn và bệnh trở nặng với những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết. Cơ thể người bệnh cúm không biến chứng thường hồi phục sau 1 tuần nhưng các cơn ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài 1-2 tuần tiếp theo" - BS Minh lưu ý.
Chủ động giám sát, ngăn dịch
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết để phòng ngừa dịch bệnh, đơn vị đã triển khai giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh từ các vùng có dịch. Ở các cửa khẩu có thể thay đổi tùy theo loại bệnh đang được ưu tiên giám sát. Tuy nhiên, vẫn có những nguyên tắc chung cần lưu ý. Cụ thể: Trước khi đi, hành khách nên theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh tại khu vực hoặc quốc gia mà mình sẽ đến và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa mà cơ quan y tế địa phương khuyến cáo. Đối với hành khách khi trở về Việt Nam, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần thông báo ngay cho lực lượng kiểm dịch y tế biên giới (hoạt động 24/7 tại các cửa khẩu) để được hỗ trợ và kiểm tra kịp thời. Trong thời gian đầu sau khi nhập cảnh (thời gian ủ bệnh tùy theo từng loại bệnh), nếu có triệu chứng nghi ngờ, hành khách cần đến ngay cơ sở y tế và thông báo rõ lịch trình đi lại của mình để các bác sĩ có thể đánh giá và xử lý đúng cách.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bộ tiếp tục cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến dịch bệnh. Hiện cũng là thời điểm có thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi).
"Hiện Bộ Y tế đang theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp kịp thời.
Nhật Bản: Ca nhiễm kỷ lục, bệnh viện quá tải
Theo đài NHK Nhật Bản, số ca mắc cúm đã gia tăng ở nước này kể từ cuối năm 2024. Số ca bệnh trung bình tại mỗi cơ sở y tế được ghi nhận trong tuần lễ kết thúc bằng ngày 29-12-2024 là 64,39 người trên mỗi cơ sở, vượt quá mức cảnh báo là 30 và là con số cao nhất kể từ năm 1999, khi hồ sơ bắt đầu được ghi chép. Chỉ trong tuần lễ đó, Nhật Bản ghi nhận thêm 317.812 ca cúm mới. Tình trạng này kéo dài sang đầu năm 2025, gây ra tình trạng thiếu hụt một số loại thuốc dùng để điều trị cúm, nhiều bệnh viện liên tục quá tải. Trong những ngày cuối tháng 1-2025, Bệnh viện Saiseikai Yokohamashi Tobu ở TP Yokohama tiếp nhận số bệnh nhân cấp cứu nhiều hơn bình thường gấp 1,5 lần và đã có thời điểm không thể tiếp nhận thêm ngoại trừ những trường hợp cần phẫu thuật khẩn cấp.
Theo Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, số ca cúm tích lũy từ đầu tháng 9-2024 đến ngày 26-1-2025 đã vượt quá 9,5 triệu người. Tình hình đang lắng dịu dần khi số liệu mới nhất cho thấy từ ngày 20 đến 26-1, tổng số bệnh nhân cúm là 54.594, với số bệnh nhân trung bình mỗi cơ sở giảm xuống còn 11,06. Mặc dù vậy, đó vẫn là một con số cao.
Theo báo cáo cúm toàn cầu mới nhất WHO công bố hôm 31-1, số ca mắc cúm vẫn tăng cao ở nhiều khu vực Bắc bán cầu bao gồm châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ (chủ yếu các loại cúm A), Tây Phi (chủ yếu cúm B), Bắc Phi (chủ yếu H3N2), một số khu vực châu Á (chủ yếu cúm A (H1N1). Tại châu Á, bản đồ dịch tễ của WHO cho thấy một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Singapore đang đối diện mức tăng cao.
Anh Thư
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-bao-cum-mua-bien-chung-ac-tinh-196250205204418825.htm