Cúm mùa diễn biến bất thường tại nhiều quốc gia: Chuyên gia khuyến cáo

Hiện nay, dịch cúm trên toàn cầu diễn biến phức tạp, tại Nhật Bản có 9,5 triệu người mắc. Tại Việt Nam một số người có bệnh nền mắc cúm A đang phải thở máy, chuyên gia khuyến cáo người bệnh nền cần cẩn trọng khi nhiễm cúm.

Bộ Y tế vừa có báo cáo về tình hình cúm mùa tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2024 ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), số tử vong tăng 5 trường hợp. Chuyên gia khuyến cáo, những người có bệnh nền, cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm.

Trong năm 2024, ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1) tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng, không ghi nhận biến thể của virus. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (14.073), Sơn La (10.162).

Hiện nay, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 8 bệnh nhân nhiễm cúm, trong đó có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO.

 Dịch cúm tại một số nước đang có chiều hướng phức tạp, trong nước đã có những trường hợp nguy kịch (ảnh minh họa - nguồn internet).

Dịch cúm tại một số nước đang có chiều hướng phức tạp, trong nước đã có những trường hợp nguy kịch (ảnh minh họa - nguồn internet).

Để tăng cường phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, tiếp theo các văn bản trước đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Bộ; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025.

Theo Cục Y tế dự phòng, diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông Xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Các bệnh truyền nhiễm phổ biến khác trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, một số bệnh có vắc xin dự phòng có thể ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virus, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa lễ hội xuân và các bệnh truyền nhiễm phổ biến như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, cúm gia cầm…;

Tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới và chủ động triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.

Trước đó, Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản, theo đó dữ liệu công bố (ngày 31/01/2025) của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 - ngày 26/01/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa; trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23 - 29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.

Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực có đông dân cư và có nhiều điểm du lịch, tập trung đông người là các địa bàn bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan; đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Người bệnh nền, người cao tuổi cần cẩn trọng khi nhiễm cúm

ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Ngoài ra, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm.

"Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng" - ThS.BS Phạm Văn Phúc cho biết thêm.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cum-mua-dien-bien-bat-thuong-tai-nhieu-quoc-gia-chuyen-gia-khuyen-cao-post333246.html