Cảnh báo khủng hoảng ngành ô tô trước động thái tăng thuế mới của ông Trump

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế quan mới vào thứ Bảy, áp dụng mức 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, cùng mức thuế bổ sung 10% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chính sách này dự kiến sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, buộc các nhà sản xuất phải đưa ra các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác động chi phí.

Trong nhiều tháng qua, các công ty ô tô đã duy trì chiến lược thận trọng trước những thách thức về thuế quan mà ông Trump có thể mang đến. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định họ sẽ sớm phải điều chỉnh chiến lược và xây dựng các kế hoạch dự phòng để đối phó với chi phí ngày càng tăng. Trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng, Mexico có thể chịu tác động lớn nhất, tiếp theo là Canada và Trung Quốc, tùy thuộc vào chuỗi cung ứng của từng doanh nghiệp.

Shawn Fain, chủ tịch Liên đoàn Công nhân Ô tô Mỹ, nhấn mạnh mọi động thái áp thuế cần phải đi kèm với việc đàm phán lại Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) và đánh giá lại chế độ thương mại hiện hành, vốn được cho là đã gây bất lợi cho tầng lớp lao động Mỹ và toàn cầu. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô lớn như General Motors (GM) và Ford vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức, dù Honda đã tuyên bố thương mại ô tô Bắc Mỹ là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của họ và kêu gọi một giải pháp nhanh chóng để đảm bảo sự ổn định.

Khu phức hợp cảng Los Angeles-Long Beach ở San Pedro. Ảnh: The Los Angeles Times

Khu phức hợp cảng Los Angeles-Long Beach ở San Pedro. Ảnh: The Los Angeles Times

Mặc dù hầu hết các hãng xe lớn đều có nhà máy tại Mỹ, nhưng họ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu linh kiện từ các quốc gia khác, đặc biệt là Mexico. Thực tế, gần như tất cả các hãng xe lớn tại Mỹ đều có ít nhất một nhà máy tại Mexico, với sáu nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất chiếm hơn 70% doanh số bán hàng tại Mỹ vào năm 2024. Do đó, mức thuế quan mới có thể làm tăng đáng kể chi phí sản xuất và giá xe, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng.

Việc đánh thuế nhập khẩu đồng nghĩa với việc các công ty nhập khẩu hàng hóa sẽ phải trả thêm chi phí, và nhiều chuyên gia lo ngại các nhà sản xuất sẽ chuyển phần chi phí này sang người tiêu dùng, làm giá xe tăng lên và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các hãng xe đã quen với việc sản xuất xe không chịu thuế tại Canada và Mexico trong nhiều thập kỷ, và nay có thể phải đối mặt với khoản tổn thất lên đến hàng tỷ USD.

Tác động của thuế quan đã được phản ánh trên thị trường tài chính. Cổ phiếu của GM đã trải qua một trong những ngày giao dịch tồi tệ nhất trong nhiều năm ngay cả sau khi công bố lợi nhuận và doanh thu vượt kỳ vọng của Phố Wall. Nhà phân tích Dan Levy của Barclays lưu ý mặc dù GM có nhiều cơ hội tăng trưởng, nhưng sự bất ổn trong chính sách thương mại đang gây ra những lo ngại lớn. Dù Giám đốc tài chính GM, Paul Jacobson, khẳng định công ty đang thận trọng đánh giá tình hình và có kế hoạch ứng phó phù hợp, nhưng điều này chưa đủ để xoa dịu lo lắng của nhà đầu tư.

Các mức thuế quan mới không chỉ tác động đến GM mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ ngành công nghiệp ô tô. Theo S&P Global Mobility, không có nhà sản xuất hay nhà cung cấp nào tại Bắc Mỹ có thể tránh khỏi tác động của chính sách thuế này.

Ngành công nghiệp ô tô có sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia, với Mexico nhập khẩu gần 50% phụ tùng ô tô từ Mỹ, đồng thời xuất khẩu hơn 86% sản lượng linh kiện ô tô của mình sang Mỹ. Điều này khiến các biện pháp thuế quan mới trở thành thách thức lớn đối với chuỗi cung ứng trong khu vực.

Theo ước tính của Wells Fargo, mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada có thể khiến các hãng ô tô truyền thống tại Detroit thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Cụ thể, với các mức thuế 5%, 10% và 25%, GM, Ford và Stellantis có thể lần lượt chịu tổn thất 13 tỷ USD, 25 tỷ USD và 56 tỷ USD.

S&P Global Mobility cũng dự đoán mức thuế 25% áp dụng cho một chiếc xe nhập khẩu trị giá 25.000 USD từ Canada hoặc Mexico có thể làm tăng giá thành xe thêm 6.250 USD, và phần lớn chi phí này có thể sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các hãng sản xuất mà còn tác động trực tiếp đến thị trường và người mua xe tại Mỹ.

Trong số các nhà sản xuất ô tô, Volkswagen, Nissan và Stellantis được đánh giá là những hãng chịu rủi ro thuế quan cao nhất do có sản lượng xe lớn tại Mexico. Báo cáo của S&P Global Mobility chỉ ra rằng các nhà máy ở Canada và Mexico sản xuất khoảng 5,3 triệu xe mỗi năm, trong đó gần 4 triệu xe được xuất khẩu sang Mỹ. Mexico đóng góp phần lớn sản lượng này, trong khi tại Canada, các hãng như Ford, GM, Stellantis, Toyota và Honda đã sản xuất khoảng 1,3 triệu xe hạng nhẹ vào năm 2024, chủ yếu để phục vụ thị trường Mỹ.

Dù một số hãng xe có thể tìm cách điều chỉnh chuỗi cung ứng hoặc chuyển dịch sản xuất về Mỹ nhằm tránh thuế quan, nhưng đây không phải là giải pháp có thể thực hiện nhanh chóng hay dễ dàng. Với sự liên kết phức tạp của ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ, các chuyên gia lo ngại mức thuế mới có nguy cơ gây ra những biến động lớn, ảnh hưởng đến giá cả, nhu cầu tiêu dùng và chiến lược kinh doanh dài hạn của các nhà sản xuất ô tô.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/canh-bao-khung-hoang-nganh-o-to-truoc-dong-thai-tang-thue-moi-cua-ong-trump.html